Phối hợp vận hành để phát huy hiệu quả 2 “siêu cống ngăn mặn” Cái Bé – Cái Lớn

Ngày 16-2, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, địa phương vừa phối hợp với đơn vị vận hành 2 cống Cái Bé - Cái Lớn là Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam (Bộ NN-PTNT) để đánh giá hiệu quả hoạt động của 2 cống ngăn mặn lớn nhất vùng ĐBSCL này.
Cống Cái Bé – Cái Lớn là công trình ngăn mặn lớn nhất vùng ĐBSCL, có tổng mức đầu tư khoảng 6,8 ngàn tỷ đồng. Ảnh: QUỐC BÌNH

Cống Cái Bé – Cái Lớn là công trình ngăn mặn lớn nhất vùng ĐBSCL, có tổng mức đầu tư khoảng 6,8 ngàn tỷ đồng. Ảnh: QUỐC BÌNH

Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam cho biết, hiện chi nhánh ĐBSCL đang được giao quản lý, vận hành 5 công trình thủy lợi lớn, gồm: Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô (Kiên Giang), cống Vũng Liêm (Vĩnh Long) và cống âu thuyền Ninh Quới (Bạc Liêu). Đối với các công trình tại Kiên Giang, khi vận hành có một số bất cập phát sinh, do hạ lưu cống Cái Lớn - Cái Bé, các công trình hạ tầng chưa đảm bảo nên dễ bị ngập lụt. Vùng ven biển Tây chưa được đầu tư đủ các công trình đồng bộ, khép kín nên chưa hoàn toàn chủ động kiểm soát được nguồn nước.

Chủ tịch UBND huyện Gò Quao (Kiên Giang) Võ Văn Trà cho biết thêm, Gò Quao nằm phía hạ lưu cống, chịu tác động rất lớn đến việc vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Trên địa bàn huyện Gò Quao có 5 dạng mô hình sản xuất. Trước và sau khi vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, huyện Gò Quao vẫn duy trì các dạng mô hình sản xuất ổn định, bền vững theo hệ sinh thái ngọt - lợ.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ nguồn nước thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường đã gây ngập úng cục bộ tại một số tiểu vùng sản xuất khóm và cây ăn trái trên địa bàn huyện Gò Quao. Bên cạnh đó, vấn đề nước mặn phục vụ nuôi tôm trên địa bàn huyện đang gặp khó khăn như: Nước mặn về trễ, độ mặn thấp.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đánh giá, Dự án hệ thống thủy lợi Cái Bé – Cái Lớn có quy mô rất lớn, có tác động liên tỉnh với vùng sản xuất lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái. Qua thực tế vận hành, đã mang lại hiệu quả rất lớn, bảo vệ sản xuất hiệu quả, giảm chi phí so với trước đây do không phải đắp đập tạm. Tuy nhiên, do vận hành đáp ứng đa mục tiêu ngọt, mặn, lợ nên cũng gặp những khó khăn nhất định. Phát sinh việc ngập cục bộ vùng hạ lưu do hạ tầng chưa đáp ứng được, hệ thống cống trong vùng hưởng lợi chưa được đầu tư đầy đủ, đồng bộ, khép kín.

Để phát huy hiệu quả công trình, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giao Sở Kế hoạch - Đầu tư cân đối, chủ động nguồn lực địa phương, đầu tư các công trình đảm bảo khép kín để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất.

Trước mắt, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam có thể phối hợp, điều tiết nước mặn từ hướng cống Ninh Quới (Bạc Liêu) qua để hỗ trợ nguồn nước mặn cho vùng lúa - tôm của huyện Gò Quao, thay vì chờ nước mặn từ biển Tây theo sông Cái Lớn vào.

Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam, cho rằng việc lấy nước mặn vào nuôi tôm là rất cần thiết, nhưng việc vận hành hệ thống cống còn phải tính toán hài hòa việc đối phó với hạn mặn cho cả mùa khô năm 2023. Vì theo dự báo, khoảng đầu tháng 3-2023 sẽ là thời kỳ đỉnh điểm của mùa khô hạn, xâm nhập mặn ở các khu vực ven biển vùng ĐBSCL.

Tin cùng chuyên mục