Phòng ngừa tiêu cực trong công tác cán bộ

Triển khai các quy định, chỉ đạo của Trung ương về “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”, TPHCM đã cụ thể hóa bằng nhiều hành động, giải pháp.

Rà soát “người có quan hệ gia đình” đang đảm nhiệm chức vụ

Nhận được văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về việc nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện Quy định 114 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong công tác cán bộ, Quận ủy quận 1 đã khẩn trương ban hành công văn triển khai thực hiện.

Trong đó, quận yêu cầu tập trung rà soát người có quan hệ gia đình đang đảm nhiệm các chức danh không được bố trí theo quy định, kể cả cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quận.

Cụ thể, những người có quan hệ gia đình đồng thời là thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu trong cùng cơ quan, đơn vị; người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội trong cùng cơ quan, đơn vị. Kết quả sau rà soát tại TP Thủ Đức, các quận 1, 3, 4, 7… không ghi nhận trường hợp nào thuộc các đối tượng thống kê theo hướng dẫn của thành phố.

Bác sĩ Lê Anh Tuấn (giữa) vượt qua 25 ứng cử viên trúng tuyển Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM

Bác sĩ Lê Anh Tuấn (giữa) vượt qua 25 ứng cử viên trúng tuyển Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM

Khi chưa có Quy định 114, các địa phương, đơn vị trên địa bàn TPHCM cũng đã bám vào các quy định của Trung ương để triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, nhất là đối với cán bộ là lãnh đạo, quản lý. Trong đó, chú trọng nhiều đến việc luân chuyển vị trí việc làm của cán bộ. Theo báo cáo của Thành ủy TPHCM, nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, các cơ quan, đơn vị của TPHCM đã chuyển đổi vị trí công tác gần 5.100 cán bộ, công chức, viên chức.

Cùng với đó, công tác bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không là người địa phương cũng được Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, các cấp ủy chấp hành và triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả tích cực. Đến nay, TPHCM có 22/22 Bí thư Quận ủy, Huyện ủy, Thành ủy TP Thủ Đức; 22/22 Trưởng Công an và 19/22 Chủ tịch UBND quận, huyện, TP Thủ Đức không là người địa phương.

Tăng cường giám sát

Một cách thức khác là TPHCM tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý, tạo sự công khai, minh bạch trong các vị trí công tác đối với lãnh đạo, quản lý. Trong năm 2022, 7 địa phương, đơn vị của TPHCM đã thí điểm và tuyển dụng được 13 chức danh lãnh đạo, quản lý.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, việc thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý đã tạo sự thay đổi lớn về nhận thức, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và giúp phát hiện, thu hút, lựa chọn người thực sự có năng lực phù hợp, có phẩm chất chính trị, đạo đức. Qua đó, góp phần thực hiện tốt quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

TPHCM cũng thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, trong đó có quy định ứng viên trước khi bổ nhiệm phải trình bày chương trình hành động và cam kết trách nhiệm thực hiện.

Trưởng ban Tổ chức Quận ủy quận 3 Nguyễn Đình Phát cho biết, quận đã thí điểm một số giải pháp mới, như tổ chức cho các ứng cử viên cùng ứng cử một chức danh lãnh đạo, quản lý trình bày công khai chương trình hành động để cạnh tranh sòng phẳng. Đó sẽ là một trong những căn cứ để tập thể lựa chọn bỏ phiếu bầu chức danh lãnh đạo, quản lý đối với cá nhân nổi trội hơn, tránh tình trạng “lựa chọn ê kíp” vào các chức danh chủ chốt tại địa phương.

Đồng chí Mai Ngọc Anh (trước đây là Phó Chủ tịch UBND phường 5, quận 3) đã vượt qua đồng nghiệp của mình trong trình bày chương trình hành động để được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch UBND phường 10. Trong phần trình bày chương trình hành động, đồng chí Mai Ngọc Anh tạo được ấn tượng với hội đồng thẩm định bằng những nội dung rất sát thực tiễn, chỉ ra được những điểm nghẽn và đưa ra các giải pháp cụ thể để tháo gỡ các vấn đề đặt ra tại phường 10 khi đó.

Nhờ đó, đồng chí nhận được tín nhiệm của hội đồng thẩm định. “Việc cạnh tranh bằng trình bày chương trình hành động công khai là một trong những căn cứ để tập thể lựa chọn bỏ phiếu bầu chức danh lãnh đạo, quản lý đối với cá nhân nổi trội hơn, tránh tình trạng “lựa chọn ê kíp” vào các chức danh chủ chốt tại địa phương”, đồng chí Nguyễn Đình Phát nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp nhấn mạnh, Quy định 114 có ý nghĩa rất lớn, cùng với các quy định khác đã tạo ra các giải pháp khá toàn diện trong kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác, tự nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên.

Vì vậy, trong đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ, phải nhìn trúng được cán bộ có tài, có đức và sau khi bổ nhiệm phải thường xuyên giám sát, kiểm điểm, đánh giá một cách minh bạch, thẳng thắn để cán bộ đó không “lệch đường ray” trong thực thi nhiệm vụ.

Một số vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi

* Vị trí quản lý ngân sách, tài sản trong cơ quan, đơn vị:

Phân bổ ngân sách, kế toán, mua sắm công.

* Vị trí trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc, chẳng hạn:

- Thẩm định nhân sự; tổ chức tuyển dụng; thẩm định hồ sơ thi đua, khen thưởng.

- Cấp giấy phép trong lĩnh vực xây dựng; thẩm định, lập kế hoạch đền bù giải phóng mặt bằng.

- Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài; cải chính tư pháp, chứng nhận tư pháp.

- Thẩm định hồ sơ dịch vụ cấp phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; thẩm định hồ sơ người có công.

- Thủ kho, thủ quỹ; thẩm định, phê duyệt thiết kế phòng cháy, kiểm tra an toàn phòng cháy; đăng ký, quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

- Thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thanh tra chuyên ngành…

Tin cùng chuyên mục