Nhà văn Nguyên Hùng:

Phù nguy không phù thịnh

Phù nguy không phù thịnh

Tôi nghe tên nhà văn Nguyên Hùng sau giải phóng miền Nam. Tôi thích và mến mộ ông từ sau khi đọc quyển Người Bình Xuyên. Tôi gặp ông trong hai lần dự đám giỗ Huỳnh Văn Nghệ tại nhà lưu niệm ở Tân Uyên, cùng chuyến đi thăm lại chiến khu Đ. Và gần đây nhất mới gặp tại nhà hàng Cọ Dừa khu du lịch Bửu Long, TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) dịp kỷ niệm truyền thống Thủ - Biên, đầu xuân 2005.

Phù nguy không phù thịnh ảnh 1

Nhà văn Nguyên Hùng viếng mộ Huỳnh Văn Nghệ.

Nhiều năm qua ông luôn đau yếu, thân người gầy còm, nhưng đến những ngày lễ truyền thống của miền Đông, của chiến khu Đ là ông quyết đi cho bằng được. Gặp ai cũng vậy ông chỉ cười, gật đầu chào thân thiện, rất ít nói, nhất là không hề nghe ông phát biểu - dường như ông đang tập trung tư tưởng tình cảm để nghe để bổ sung cho kho tàng tư liệu vô cùng phong phú của mình.

Trưởng thành trong nghề tuyên truyền báo chí, có vốn sống phong phú trong thời kỳ kháng chiến, lại là nhân chứng, Nguyên Hùng có lối thể hiện độc đáo, không giống ai, chuyên viết về những nhân vật giang hồ hảo hớn của Nam bộ, mà ông có một thời sống chung. Do đó giọng văn ông rặt Nam bộ, lối suy nghĩ và hành xử kiểu Nam bộ. Đặc biệt đối với những nhân vật gặp nhiều nguy nan thăng trầm kể cả bị hiểu lầm suốt thời gian dài, Nguyên Hùng vẫn luôn tỏ ra có cái nhìn chân xác khách quan và hết sức trân trọng, quý yêu.

Có lần tôi đã hỏi thẳng về việc này, thì được Nguyên Hùng trả lời rất tự nhiên: ở đời người ta phù nguy chớ không phù thịnh! Và những tác phẩm tâm huyết của ông lần lượt ra đời: Người Bình Xuyên (1985), Nguyễn Bình - huyền thoại và sự thật (1995), Qua Bến (viết về thi tướng Huỳnh Văn Nghệ) 1995 v.v... Riêng Người Bình Xuyên đã được dựng phim.

Một dịp tôi đến thăm nhà, tôi cũng lại tò mò tìm hiểu về động cơ, nguyên nhân vào làng văn, Nguyên Hùng không trả lời, móc trong cặp lấy ra quyển Qua Bến và chỉ cho tôi xem Lời bạt: “Nhân tố đầu tiên và trực tiếp là Huỳnh Văn Nghệ. Năm 1948, chiến thắng La Ngà (3-1948), báo Tiền Đạo số đặc biệt chiến thắng La Ngà với bút ký “Khách đô thành viếng chiến khu xanh” của Bùi Thanh Khiết là chất men thu hút tôi từ Đồng Tháp Mười lên Đông Nam bộ. Linh hồn của các chiến công Bàu Cá, Đồng Xoài, Trảng Táo, Bảo Chánh, La Ngà - Chi đội trưởng Chi đội 10 Huỳnh Văn Nghệ là thần tượng của tôi. Ngoài tài đánh giặc, anh còn hấp dẫn tôi với tập thơ Đồng Nai... lãng mạn cách mạng làm rung động lòng người... là quyển sách gối đầu giường tuổi thơ của tôi. Anh Tám Nghệ, người thầy đầu tiên của tôi”.

Hoài bão tâm huyết còn tràn đầy, nhà văn Nam bộ Nguyên Hùng vội vã ra đi hiện còn đang để lại bao công trình dang dở. Với những tác phẩm của mình, Nguyên Hùng đã có công lớn tô đậm nét văn hóa đặc sắc của người Nam bộ.

THANH BỀN

Tin cùng chuyên mục