Phú Yên: Rà soát, xử lý việc giá đá, cát... nhiễu loạn thị trường

Ngày 24-11, nguồn tin của PV Báo SGGP cho hay, UBND tỉnh Phú Yên cho biết đã có văn bản chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với Sở Tư Pháp tỉnh khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có biểu hiện bất thường, kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm.

Chỉ đạo này được UBND tỉnh Phú Yên thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Công điện số 1087/CĐ-TTg ngày 11-11-2023.

Độc quyền nguồn cung, giá tăng bất thường

UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các đơn vị liên quan cần xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường và đề xuất các giải pháp để hạn chế các tác động tiêu cực (nếu có). Kết quả rà soát, kiểm tra báo cáo UBND tỉnh trước ngày 5-12-2023.

Nạn khai thác cát trái phép ở Đông Hòa, tỉnh Phú Yên

Nạn khai thác cát trái phép ở Đông Hòa, tỉnh Phú Yên

Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh này chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã có Kết luận số 06/KL-UBND của UBND tỉnh Phú Yên về trách nhiệm công tác tham mưu quản lý Nhà nước đối với các mỏ vật liệu xây dựng thông thường; việc lập, đăng ký giá, thẩm định và công bố giá vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh.

Kết luận cũng chỉ rõ nguyên nhân giá vật liệu xây dựng tỉnh này thời gian qua tăng “đột biến” và tình trạng độc quyền về nguồn cung vật liệu đẩy giá tăng bất thường… Theo kết luận, giai đoạn giá các loại vật liệu thông thường ở tỉnh này tăng bất thường bắt đầu từ năm 2022 đến thời điểm thanh tra (ngày 17-3 đến ngày 19-5-2023).

Đơn cử, giá đá tại mỏ là 300.000 đồng/m3 không có hóa đơn, giá mua cát không rõ nguồn gốc giá khoảng 200.000 đồng/m3. Một số doanh nghiệp đang hoạt động khai thác nhưng không đăng ký công bố giá nên khi bán không xuất hóa đơn. Giá bán không có hóa đơn là 280.000 đồng/m3 đá (chưa bao gồm VAT)…

Sở TN- MT xử lý 1 trường hợp vi phạm khai thác khoáng sản tại TX Đông Hòa, Phú Yên

Sở TN- MT xử lý 1 trường hợp vi phạm khai thác khoáng sản tại TX Đông Hòa, Phú Yên

Kết luận số 06/KL-UBND chỉ rõ nguyên nhân do nguồn vật liệu cung cấp không đủ nhu cầu sử dụng và các điểm mỏ được cấp giấy phép khai thác phân bố không đều trên mỗi địa phương, dẫn đến đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng thông thường "độc quyền" về nguồn cung nên có giá tăng cao bất thường.

“Lợi dụng việc khan hiếm mỏ vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực và cự ly vận chuyển của các mỏ (đã được cấp giấy phép khai thác) ở một số vùng lân cận cách xa công trình đang xây dựng, một số doanh nghiệp đã tăng giá bán (mỏ đá vật liệu thông thường thôn Hòa Mỹ, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu), trong đó có cả yếu tố độc quyền", kết luận nêu rõ.

Điểm tập kết đá vi phạm bị xử lý ở thị xã Đông Hòa, Phú Yên

Điểm tập kết đá vi phạm bị xử lý ở thị xã Đông Hòa, Phú Yên

Ngoài ra, theo quy định, vật liệu xây dựng không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá mà do tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tự định giá theo quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh.

Yêu cầu 2 giám đốc sở kiểm điểm

Kết luận cũng phát hiện một số địa phương thực hiện chưa nghiêm công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, dẫn đến có nhiều vụ việc khai thác khoáng sản trái phép…

Tại kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu Giám đốc Sở TN-MT tỉnh chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân liên quan có những tồn tại, khuyết điểm về công tác tham mưu quản lý nhà nước đối với các mỏ vật liệu xây dựng và việc lập, đăng ký giá, thẩm định, công bố giá vật liệu xây dựng.

Yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm các tập thể, cá nhân liên quan đến các khuyết điểm, tồn tại trên.

Hoạt động khai thác cát lấy vật liệu xây dựng tại Phú Yên

Hoạt động khai thác cát lấy vật liệu xây dựng tại Phú Yên

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn việc khai thác, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản không phép, trái phép và phối hợp kiểm soát chặt phương tiện vận chuyển khoáng sản về trọng tải, nhất là xe chở cát…

Mỏ cát cấp phép 1 đường, khai thác 1 nẻo

Kết luận số 06/KL-UBND cũng đề cập vi phạm tại mỏ cát của Công ty TNHH Xây dựng Việt Phát Đạt (thôn Phú Dương, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, Phú Yên).

Theo hồ sơ, mỏ cát này được cấp phép từ tháng 8-2016 có diện tích 1ha, công suất khai thác 10.000m3/năm, thời hạn khai thác 12 năm. Tuy nhiên, đoàn thanh tra thực địa phát hiện mỏ cát vẫn còn nguyên trạng, không có dấu hiệu khai thác.

Tuy nhiên, kiểm tra tại khu vực lân cận nằm ngoài phạm vi mỏ cát này được cấp phép thì đoàn kiểm tra nhận thấy có dấu hiệu khai thác cát trái phép. Qua đo đạc, đoàn thanh tra phát hiện công ty trên đã khai thác trái phép nằm ngoài phạm vi cấp phép là 38.671m2, độ sâu khai thác khoảng 4-5m.

Qua đó, kết luận yêu cầu Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu kiểm tra, làm rõ và xử lý việc khai thác cát trái phép ngoài phạm vi cấp phép đối với diện tích 38.671m2 tại khu vực mỏ cát thôn Phú Dương.

Tin cùng chuyên mục