Theo dự báo của ngành khí tượng thủy văn, tình hình hạn, mặn ở ĐBSCL trong tháng 4 vẫn diễn biến phức tạp. Từ nay đến tháng 5, dòng chảy tại các trạm thượng nguồn sông Mê Công dự kiến thấp hơn năm 2016 từ 5%-20%. Mặn xâm nhập các cửa sông tuy có giảm dần nhưng vẫn ở mức cao.
Đến thời điểm hiện tại, ĐBSCL đã cơ bản thu hoạch xong diện tích lúa đông xuân và chuẩn bị sản xuất vụ hè thu. Đánh giá chung, hạn, mặn gây thiệt hại lên cây lúa không lớn nhưng ảnh hưởng khá nặng nề với các vườn cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, chưa kể tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra trên diện rộng. Cùng với tác động của dịch Covid-19, các địa phương và người dân ĐBSCL đã và đang gồng mình ứng phó để vượt qua khó khăn.
Mới đây, Bộ NN-PTNT đã triển khai xây dựng Đề án “Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng ĐBSCL”, trong đó đề xuất nhiều giải pháp dài hạn. Cụ thể là xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành và kết nối với cơ sở dữ liệu liên ngành, bao gồm dữ liệu về dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công, đáp ứng điều kiện ứng dụng công nghệ tiên tiến để hiện đại hóa công tác quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi; đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động; nâng cao năng lực dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước để kịp thời cung cấp thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn; khuyến khích người dân chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp đa dạng; tập trung nguồn lực sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình để bảo đảm khả năng kiểm soát nguồn nước, chất lượng nước liên vùng, chủ động điều hòa, phân phối nguồn nước hợp lý cho các đối tượng sử dụng ở các vùng thượng, trung và vùng ven biển; đầu tư, nâng cấp hệ thống tiếp nước ngọt; nâng cấp hoàn thiện các công trình kiểm soát triều cường; công trình chuyển nước ngọt liên vùng cho vùng nuôi trồng thủy sản; xây dựng hồ trữ nước để tạo nguồn cấp nước sinh hoạt...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phục hồi sau hạn, mặn, sản xuất nông nghiệp cần áp dụng 3 chuyển dịch: Dịch chuyển lịch thời vụ để né hạn, mặn; sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn, mặn; mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa. Kèm theo là các giải pháp kỹ thuật, tín dụng gắn với thị trường tiêu thụ nông sản để đảm bảo sự chuyển đổi thành công, tránh duy ý chí và hành chính hóa sản xuất. Tiếp cận theo vùng, liên vùng, phối hợp liên ngành cùng hành động mới mong thích ứng trước các biến đổi của tự nhiên và xã hội.
Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, hồi phục sản xuất sau hạn, mặn rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp ngành. Bên cạnh đó, nguồn vốn cho sản xuất là rất lớn, nên cần có giải pháp tín dụng để bà con có nguồn lực tái đầu tư, khôi phục sản xuất. Về lâu dài, trong bối cảnh có nhiều diễn biến khó lường về thời tiết, khí hậu, để ĐBSCL phát triển bền vững, 2 mục tiêu quan trọng phải tiến hành là hồi phục sức khỏe nội tại của hệ thống tự nhiên ở ĐBSCL và điều chỉnh, loại bỏ những loại hình canh tác nhiều rủi ro (cả hai mục tiêu này đều đã được đề cập trong nội dung Nghị quyết 120 của Chính phủ); xây dựng chiến lược “sống chung với hạn, mặn” như ĐBSCL đã từng “sống chung với lũ” thành công!