Dân Pháp chỉ trích chính phủ
Nếu như Italy vừa công bố kết quả khảo sát cho thấy, năm 2018 vấn đề toàn cầu gây lo ngại lớn nhất tại quốc gia này là biến đổi khí hậu, thu hút sự quan tâm của người dân hơn cả vấn đề khủng bố, thì dường như mối quan ngại này đang lan sang Pháp.
Một phong trào thu thập chữ ký của các tổ chức bảo vệ môi trường Pháp kêu gọi có hành động pháp lý đối với chính phủ nước này do thiếu những hành động quyết liệt trước tình trạng biến đổi khí hậu đã nhận được sự ủng hộ chưa từng có từ người dân. Tính đến sáng 28-12, phong trào do 4 tổ chức phi chính phủ (NGO) Pháp khởi xướng đã thu thập được gần 2 triệu chữ ký chỉ 10 ngày sau khi bắt đầu và trở thành phong trào kêu gọi chữ ký trực tuyến thành công nhất trong lịch sử nước này. Dự án này thậm chí vượt cả phong trào thu thập chữ ký do một người biểu tình “áo vàng” mở ra hồi tháng 5 để kêu gọi giảm giá xăng và dầu diesel khi phong trào này chỉ thu về 1,17 triệu chữ ký ủng hộ. Greenpeace France, một trong các NGO khởi xướng sáng kiến này, cho biết, đây không đơn thuần là một hoạt động thu thập chữ ký mà quan trọng hơn là lời kêu gọi hành động pháp lý trước việc chính phủ đang thụt lùi trong nỗ lực thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu.
Trong những tháng gần đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải chịu áp lực gia tăng từ các nhóm bảo vệ môi trường kêu gọi chính phủ có thêm nhiều biện pháp quyết liệt để đối phó với các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu. Hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Môi trường Pháp Nicolas Hulot đã từ chức do thất vọng trước việc nước này chưa đạt được nhiều tiến triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cũng như các mục tiêu môi trường khác.
Thảm họa tự nhiên gây thiệt hại nặng về kinh tế
Ngày 29-12, tuyết đã phủ kín khắp các khu vực Đông Bắc miền Trung Bắc và Trung Tây Mỹ, với độ dày lên đến 20cm - 30cm. Ít nhất 3 người đã thiệt mạng, hơn 500 chuyến bay bị hủy và 5.700 chuyến bị hoãn trong ngày 28-12 do tuyết rơi dày và gió mạnh. Cơn bão mùa đông hoành hành ở các khu vực đồng bằng miền Trung Bắc và Trung Tây nước Mỹ được dự báo sẽ gây bão tuyết trên diện rộng, trong khi các khu vực phía Nam lại đang đối mặt với nguy cơ lũ quét do mưa lớn kéo dài, khiến kế hoạch du lịch năm mới của hàng ngàn người bị ảnh hưởng.
Văn phòng Khí tượng Anh ngày 28-12 cho biết, năm 2018 là năm có nhiều ngày nắng cao thứ 2 tại xứ sở sương mù kể từ năm 1929. Theo văn phòng này, nếu 2018 không nằm trong tốp 10 năm ấm nhất tại Anh thì cũng trở thành một trong số những năm nóng nhất được ghi nhận trong thế kỷ này. Trước đó, ngày 27-12, Tổ chức nhân đạo Christian Aid của Anh đã đưa ra báo cáo và các số liệu thống kê, qua đó một lần nữa cảnh báo thế giới cần có ngay những biện pháp để đối phó với tình trạng Trái đất ấm lên, gia tăng các đợt nắng nóng, mưa lũ, gây hại cho mùa màng và gây khó khăn cho vấn đề dự trữ nước, làm tiêu tốn của cải và nhân lực. Báo cáo được soạn thảo dựa trên số liệu thống kê của hệ thống chính phủ các nước, các ngân hàng, công ty bảo hiểm.