Quá tải ở hệ mầm non của TPHCM: Chưa có lối ra!

Quá tải ở hệ mầm non của TPHCM: Chưa có lối ra!

Sau khi Báo SGGP ngày 9-7-2007 đăng bài “Các trường mầm non TPHCM - Lại quá tải” phản ánh môi trường học tập chật hẹp, thiếu thốn, giáo viên mầm non (MN) làm việc quá sức, bữa ăn cho trẻ thiếu dinh dưỡng…, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến của hiệu trưởng các trường MN, lãnh đạo ngành GD-ĐT bày tỏ sự đồng tình, đồng thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên…

Bà TRẦN THỊ TRÍ, Phó phòng Giáo dục quận Tân Phú:
Mỗi phường cần ít nhất 1-2 trường mầm non công lập

Quá tải ở hệ mầm non của TPHCM: Chưa có lối ra! ảnh 1

Cô hướng dẫn các bé cắm hoa tại Trường Mầm non tư thục Maika (Q7).

Ở quận Tân Phú, mỗi năm tăng trên 1.000 trẻ ở lứa tuổi MN. Nhưng hiện nay chỉ có 9 trường công lập, còn lại là 11 trường tư thục và 92 nhóm trẻ gia đình. Sĩ số mỗi lớp bình quân 50-60 HS/lớp. Trong đó vẫn còn 3 phường Phú Thạnh, Hòa Thạnh và Tân Sơn Nhì chưa có trường MN.

Trường lớp ít, số trẻ tăng quá cao nên tỷ lệ trẻ ra lớp của quận rất thấp, chỉ được khoảng 55%. Hiện nay, bậc học MN của quận chỉ dựa vào nguồn xã hội hóa, do đó không thể xây trường lớn, tươm tất mà chỉ có trường nhỏ, hoạt động tạm và hình thành những nhóm trẻ gia đình kém chất lượng.

Đầu tư không đủ thì không thể nào đảm bảo được sự phát triển toàn diện của trẻ. Nhà nước nên tiếp tục đầu tư xây dựng trường công lập, ít nhất mỗi phường nên có 1-2 trường MN để con em lao động nghèo có điều kiện được đến trường.

Bà NGUYỄN THỊ MINH NGUYỆT, Phó phòng Giáo dục quận 3:
Bán các điểm lẻ của các trường để xây trường lớn

Năm nay, số trẻ trong quận tăng trên 300 cháu. Phường 12 không có trường MN. Mấy năm qua, ở quận 3 cũng không có thêm trường MN mới, mà chỉ xây mới trên nền cũ. Nhiều cháu phải học trong các trường tư thục và nhóm trẻ gia đình. Trong tổng số 21 trường công lập, có tới 16 trường có 2 - 6 điểm lẻ là nhà phố, chật chội.

Chúng tôi đang trình duyệt quy hoạch mạng lưới trường lớp của quận đến năm 2020, trong đó có phương án bán các điểm nhỏ lẻ mặt tiền để mua đất xây trường lớn đạt chuẩn. Chủ trương về xã hội hóa giáo dục có đưa ra chỉ tiêu đối với bậc học MN là sẽ đưa 70%-80% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo được chăm sóc tại các cơ sở MN ngoài công lập, trong khi các cơ sở này chưa đảm bảo được chất lượng nên quy định này trên thực tế là không phù hợp. Không thể thực hiện xã hội hóa theo cách này mà Nhà nước phải có sự đầu tư đồng bộ cho các bậc học, thậm chí phải chăm lo cho bậc MN nhiều hơn.

Bà NGUYỄN THỊ KIM DUNG, Hiệu trưởng Trường MN Bán công 19-5:
Không nên cào bằng mức học phí

Hiện nay, việc ngưng xây dựng trường MN công lập đã làm cho tình trạng quá tải ở các trường diễn ra triền miên, khó mà tháo gỡ. Trường 19-5 mấy năm qua cũng luôn lâm vào tình cảnh khó khăn này. Cứ đến mùa tuyển sinh, nhiều phụ huynh các quận khác cũng tới xin cho con học vì lý do địa bàn nơi ở không có trường, hoặc để tiện việc đưa đón con.

Ngoài ra, dù trường chúng tôi có cơ sở vật chất tốt, là trường chuẩn quốc gia, nhưng nếu không tăng sỉ số lớp học thì thu không đủ bù chi. Hiện nay trường vẫn đang thực hiện theo mô hình trường bán công. Kinh phí hàng năm vẫn phải chờ vào khoản cấp bù, nhưng rất ít ỏi, chỉ có 4 tháng lương/năm cho giáo viên biên chế, còn giáo viên hợp đồng thì trường vẫn phải “gánh” hết.

Mức học phí các trường MN vẫn cào bằng là điều vô lý bởi nhiều trường cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy tốt nhưng vẫn thu bằng những trường bình thường. Trường tốt, học phí thấp, ngân sách phải cấp bù là điều rất lãng phí.

Trong khi đó, một trường tốt nếu được tự chủ, chỉ cần thu thêm khoản tiền chất lượng (đối với trường chuẩn quốc gia, trường tiên tiến…) chỉ khoảng 30.000-50.000 đồng/tháng/học sinh (như trước đây) hoặc thu theo thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường thì nhà nước không cần phải cấp bù. Khoản kinh phí cấp bù này có thể dành để đầu tư xây dựng thêm trường mới.

Ông HUỲNH CÔNG MINH, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM:
Các ban ngành cần vào cuộc để tháo gỡ khó khăn

Thiếu trường lớp, trẻ không có chỗ học đang là vấn đề bức xúc của ngành GD-ĐT TPHCM. Yêu cầu đề ra không chỉ đảm bảo về chỗ học cho con em thành phố mà còn phải đạt chuẩn về cơ sở vật chất và sĩ số trong từng lớp học. Nguyên nhân chính vẫn là số HS nhập cư đông và tăng nhanh một cách không có kế hoạch.

Mặt khác, Quyết định 05/2005/QĐ-CP của Chính phủ định hướng tỷ lệ xã hội hóa các trường MN cao, làm ngưng lại hoàn toàn các công trình xây dựng trường MN công lập trong khi các nguồn đầu tư ngoài công lập chưa đủ thời gian để đáp ứng. Điều này đã gây khó khăn về trường lớp. TPHCM cũng đã có biện pháp chấn chỉnh các trường ngoài công lập chưa đảm bảo yêu cầu và giải tán những đơn vị không có điều kiện an toàn.

Tuy nhiên, theo Quyết định 161 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, quy định chỉ xây dựng các trường MN công lập ở các khu vực khó khăn, trong khi đó thành phố không thuộc vùng khó khăn, kể cả vùng sâu vùng xa của thành phố, do đó đã phải ngưng nhiều công trình. Ngành giáo dục cũng kiến nghị các ban ngành cần hỗ trợ ngành giáo dục để tháo gỡ những vướng mắc này càng sớm càng tốt vì nhiều nơi vẫn còn có đất để xây trường nhưng không thực hiện được.

Xem ra việc quá tải ở các trường MN TPHCM vẫn chưa có lối ra. 

LÊ LINH

Tin cùng chuyên mục