Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Thụy Điển trở nên căng thẳng

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Thụy Điển trở nên căng thẳng

(SGGPO).- Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 12-3 đã triệu Đại sứ nước này ở Stockholm, bà Zergun Koruturk về nước đồng thời tuyên bố hủy chuyến thăm Thụy Điển dự kiến diễn ra vào ngày 17-3 tới. Đây được xem là phản ứng cứng rắn của phía Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Quốc hội Thụy Điển cùng ngày bỏ phiếu thông qua nghị quyết quy kết vụ thảm sát người Armenia trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất dưới đế chế Ottoman là “tội ác diệt chủng”.

Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm, bà Zergun Koruturk. Ảnh: AFP

Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm, bà Zergun Koruturk. Ảnh: AFP

Trước đó, ngày 4-3, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã triệu hồi Đại sứ của nước này tại Washington về nước sau khi Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết lên án vụ sát hại tập thể người Armenia của quân đội đế quốc Ottoman hồi chiến tranh thế giới thứ nhất là diệt chủng.

  • Israel không kích Dải Gaza

Theo hãng tin AFP, rạng sáng hôm nay (12-3), máy bay chiến đấu Israel đã không kích 2 mục tiêu tại phía Nam Dải Gaza, làm nhiều người bị thương.

Trong đợt không kích đầu tiên, máy bay Israel đã phá hủy một phân xưởng kim loại tại thị trấn Khan Yunis và mục tiêu đợt tấn công thứ hai là đường hầm buôn lậu tại thị trấn Rafah. Các nhân chứng cho biết nhiều người đã bị thương trong vụ không kích này.

Quân đội Israel tuyên bố họ mở các trận không kích nói trên nhằm đáp trả một vụ tấn công bằng rocket trước đó một ngày từ phía Palestine nhằm vào một cửa hàng ở miền Nam Israel, nhưng không gây thương vong.

  • Mexico: 8 nhà báo bị bắt cóc

Hãng AP sáng nay dẫn nguồn tin của Hiệp hội Báo chí liên Mỹ (IAPA) cho biết, 8 nhà báo đã bị bắt cóc tại một thành phố biên giới phía đông bắc Mexico trong vòng hai tuần qua. 3 nhà báo bị bắt cóc trong khoảng thời gian từ 18-2 đến 3-3 tại Reynosa, thành phố giáp ranh với bang Texas (Mỹ). Hai người trong số đó đã được phóng thích, người còn lại đã chết, trên người đầy vết tra tấn. 5 người khác hiện vẫn chưa rõ tông tích. IAPA kêu gọi chính phủ Mexico nên hành động kịp thời để cứu các nhà báo bị bắt cóc.

Các hiệp hội, tổ chức truyền thông khu vực và thế giới từng nhiều lần cảnh báo, Mexico là một trong những khu vực tác nghiệp nguy hiểm nhất cho giới phóng viên. Đã có 12 nhà báo bị giết tại Mexico trong năm 2009, nâng tổng số người bị giết hại tại quốc gia này lên 60 người kể từ năm 2000 đến nay. 

  • Chile: Dư chấn động đất mạnh khi Tân Tổng thống nhậm chức

Hôm qua, 11-3, Chile lại hứng chịu 10 cơn dư chấn mạnh trong khi ông Sebastian Pinera tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Chile. Thông tin ban đầu, cơn dư chấn mạnh nhất có cường độ 6,9 độ richter, thiệt hại về người và của chưa được thông báo.

Tân tổng thống Sebastian Pinera đứng trong xe mui trần, vẫy chào người dân đang phải sơ tán. Ảnh: AP

Tân tổng thống Sebastian Pinera đứng trong xe mui trần, vẫy chào người dân đang phải sơ tán. Ảnh: AP

Lễ nhậm chức của Tổng thống Sebastian Pinera tại thành phố Valparaiso kéo dài 30 phút được đánh dấu với 3 cơn dư chấn. Nhiều người đứng ngoài ban công của tòa nhà vội vàng sơ tán, trong khi các vị khách vẫn ra vẻ bình thản chờ đợi tân tổng thống và các bộ trưởng trong nội các mới tuyên thệ. Khoảng 2.000 người tham dự đã vội rút ngay ra khỏi tòa nhà diễn ra buổi lễ và chạy lên những ngọn đồi gần đó do lo ngại sóng thần.

Theo BBC, dư chấn mạnh nhất có cường độ 6,9 độ Richter, tâm dư chấn tại vùng O'Higgins - cách thành phố Valparaiso khoảng 140 km về phía nam.

Tân Tổng thống Pinera, 60 tuổi, một tỷ phú của Chile, đang đối diện với thách thức lớn nhất là tái thiết đất nước sau thảm họa động đất xảy ra vào ngày 27-2.

Hà Nhi - Phương Nam - B.N

Tin cùng chuyên mục