
Hôm qua (2-12), dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Phương Thảo, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, kỳ họp lần thứ 5 HĐND TPHCM khóa VII đã khai mạc và chỉ diễn ra trong 1 ngày. Nhưng với nội dung thu chi ngân sách, kỳ họp diễn ra khá sôi nổi.
- Quyết toán ngân sách: Không chỉ là con số

Các đại biểu HĐND TPHCM trao đổi về vấn đề ngân sách.
“Quá khô khan khi chỉ toàn số và số” – đại biểu (ĐB) Phạm Minh Trí thốt lên sau khi nghe Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thị Hồng, đọc các báo cáo quyết toán ngân sách năm 2004, kết quả thực hiện ngân sách năm 2005 và dự toán, phân bổ ngân sách năm 2006.
Ông Trí đặt vấn đề: UBND TP phải cho các ĐB biết được sự đánh giá về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như thế nào, làm được ở mức độ nào để rút kinh nghiệm. Việc chi dự phòng các vấn đề đột xuất là đúng và cần thiết, nhưng quan trọng là phải quản lý, kiểm soát ra sao hàng trăm tỷ đồng chi của phần này mỗi năm.
ĐB Nguyễn Văn Quang tỏ thái độ: Cần công khai chi tiết các khoản mục chi dự phòng cho HĐNDTP biết để giám sát, tránh lãng phí, thất thoát. Cần đặt vấn đề ở chỗ sử dụng nó có hiệu quả hay không?” – ông Quang nhấn thêm. ĐB Lê Văn Trung đặt vấn đề: “Vậy vượt chi bao nhiêu phần trăm thì được phép quyết toán? Đâu phải cứ vượt chi bao nhiêu thì quyết toán bấy nhiêu!”. ĐB Đặng Văn Khoa bổ sung: Chẳng hạn như Trung tâm Xúc tiến thương mại không dự toán mà thực chi tới hàng chục tỷ đồng thì cần phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị!
- Kế hoạch tài chính: Phải sát thực tế
ĐB Dương Văn Nhân tỏ ra băn khoăn trong vấn đề vượt chi. Trong năm 2005, HĐNDTP thông qua khoản chi đầu tư phát triển là gần 5.500 tỷ đồng, nhưng ước chi năm nay theo báo cáo của UBNDTP là 11.500 tỷ đồng. Theo ông, cần phải làm kế hoạch tài chính sát thực tế và cũng phải “sòng phẳng” định mức cụ thể, khi chi vượt bao nhiêu phần trăm phải có ý kiến của HĐNDTP.
ĐB Đặng Văn Khoa thắc mắc: không hiểu sao lại dùng ngân sách để chi cho “Tạp chí Đầu tư xây dựng”, hay một số hội nghề nghiệp vốn được tập hợp trên cơ sở tự nguyện của các hội viên như Hội Nhiếp ảnh, Hội Sinh vật cảnh, Hội Làm vườn…Làm như thế là chưa thực hiện đầy đủ chủ trương xã hội hóa. Trong khi đó, chi nghiên cứu khoa học đạt thấp; chi cho văn hóa, thể dục thể thao có tăng nhưng chưa tương xứng với nhu cầu phát triển. Thậm chí, một số khoản vượt chi “giải trình không thuyết phục”.
Để tổ chức tốt việc thực hiện ngân sách năm 2006, UBND TP đề nghị các giải pháp chủ yếu, trọng tâm: Tăng cường các biện pháp quản lý dự toán thu ngân sách năm 2006 được giao quản lý chặt chẽ các nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ và thu kịp thời theo quy định của pháp luật. Tập trung xử lý dứt điểm các khoản nợ tồn đọng. Đa dạng hóa các phương thức huy động những nguồn lực để đầu tư phát triển dự án hạ tầng kinh tế-xã hội trọng yếu.
Triển khai, thực hiện tốt Nghị định 130/2005 ngày 17-10-2005 của Chính phủ quy định về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước. Nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước, tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát trong lĩnh vực chi đầu tư phát triển, quản lý tài sản công và chi thường xuyên từ ngân sách.
* HĐNDTP đã thông qua Nghị quyết về tổng quyết toán ngân sách TP năm 2004, trong đó tổng thu ngân sách Nhà nước là 48.884,112 tỷ đồng, đạt 103,01% dự toán năm; tổng thu ngân sách địa phương là 17.724,212 tỷ đồng, đạt 173,96 % dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương là 15.536,887 tỷ đồng, đạt 152,49% dự toán.
Đồng thời, thông qua Nghị quyết về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2005, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2006. Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 67.254 tỷ đồng; tổng thu ngân sách địa phương là 14.819,814 tỷ đồng; tổng chi ngân sách địa phương là 14.819,814 tỷ đồng.
NHÓM PVCT
Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Hải: |
Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo: |