
Hội nghị Quốc tế quảng bá Văn học Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội không phải là hoạt động đầu tiên mà chắc chắn cũng không phải là hoạt động cuối cùng trong nỗ lực thoát khỏi cái bóng “nhập siêu văn chương” Việt Nam đeo trên mình suốt bao năm qua. Thế nhưng, qua những gì hội nghị đem đến thì việc đưa văn chương Việt ra nước ngoài vẫn còn là một hành trình rất dài.
Lấy gì quảng bá?
Vào khoảng giữa năm 2014, một số người trong giới xuất bản thông báo cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh một tin vui là trong cuốn danh mục các đầu sách phù hợp với thị trường Nhật do một tổ chức xuất bản Nhật thực hiện có phần giới thiệu về nhà văn và một số tác phẩm tiêu biểu. Danh mục cung cấp cho các đơn vị xuất bản tên tuổi, phương thức liên hệ với các nhà văn cùng các nét chính, nhận định và thậm chí là một vài trích đoạn. Cuốn danh mục này được cung cấp cho các NXB tại Nhật và giúp họ có thể lựa chọn tác phẩm phù hợp, từ đó tiến tới xuất bản các tác phẩm này.
Tại hội nghị vừa qua, có đến 41 đoàn đại biểu quốc tế với hơn 200 nhà văn, đại biểu xuất bản nước ngoài đến tham dự. Điều này cho thấy sự quan tâm, chú ý của họ đối với văn học Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên nhà văn M.Salmawy, Tổng thư ký Hội Nhà văn Á - Phi, Chủ tịch Hội Nhà văn Ai Cập thẳng thắn thừa nhận: “Đây là dịp vô cùng quan trọng để chúng tôi hiểu hơn về văn học Việt Nam…”.
Thế nhưng, ngoài các bài phát biểu, những nụ cười và cả những cái bắt tay, hoàn toàn không hề có cuốn danh mục giới thiệu sách nào được đưa đến tay đại biểu. Rất nhiều đại biểu quốc tế cho biết, họ tò mò muốn được đọc những tác phẩm văn học do chính người Việt viết về chiến tranh năm xưa. Dịp này, nhiều tác phẩm viết về chiến tranh cũng thi nhau ra mắt bạn đọc. Thế nhưng không có cuốn nào được chuyển ngữ, giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

Nhà văn nước ngoài giao lưu với bạn đọc Việt Nam.
Giám đốc một NXB lớn cho biết, nếu có sự phối hợp tốt giữa ban tổ chức hội nghị với các đơn vị xuất bản, họ có thể thực hiện cuốn danh mục sách của các tác giả Việt Nam, trong đó sẽ giới thiệu về tác giả, các tác phẩm tiêu biểu… bằng tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ khác, giúp bạn đọc nước ngoài có cái nhìn cụ thể về văn học Việt Nam, có thể lựa chọn những tác phẩm ưng ý, từ đó tiến tới phối hợp đưa tác phẩm Việt Nam xuất ngoại. Việc thực hiện các cuốn danh mục sách như vậy khá đơn giản, NXB lớn có thể tự làm còn các đơn vị xuất bản nhỏ có thể liên kết với nhau cùng làm.
Xuất khẩu tiểu ngạch
Thực tế hiện nay việc xuất khẩu văn chương Việt vẫn mang tính tiểu ngạch và cá nhân. Như các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh được dịch sang tiếng Nhật, tiếng Hàn đều là do một số công dân của các quốc gia này trong khi làm việc tại Việt Nam đã đọc và yêu thích các tác phẩm của những nhà văn này. Khi về nước, họ chủ động dịch thuật để đưa đến bạn đọc nước họ những tác phẩm mà họ cảm thấy ưng ý nhất. Đây cũng là một con đường để đưa văn học Việt ra thế giới nhưng manh mún, khó lòng đáp ứng được mong mỏi “xuất khẩu văn chương”.
Hội Nhà văn Việt Nam từng thành lập một tổ chức dịch thuật với mong muốn dịch các tác phẩm trong nước ra các thứ tiếng khác để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá văn học trong nước. Tuy nhiên, hoạt động của tổ chức này không đạt hiệu quả. Nguyên nhân được quy kết là do thiếu kinh phí; một số dịch giả cho rằng sự kém hiệu quả đến từ việc hiểu sai việc dịch thuật nhằm phục vụ việc quảng bá văn học. Nhiều người cho rằng phải dịch hết cả tác phẩm rồi đưa cho các NXB nước ngoài để họ đọc và lựa chọn.
Với hàng ngàn bản thảo mỗi năm, điều này rõ ràng không khả thi vì quá tốn kém và phung phí do hàng trăm, hàng ngàn tác phẩm mới có một vài tác phẩm được chọn và như vậy những tác phẩm còn lại sẽ đi đâu. Trên thực tế, cũng giống như với cuốn danh mục sách của Nhật, người ta chỉ dịch trích đoạn để chào hàng, giới thiệu và khi đơn vị xuất bản quan tâm mới xúc tiến dịch trọn vẹn.
Bài học đáng giá
Văn hóa Hàn Quốc có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam, từ âm nhạc đến điện ảnh và nhất là lĩnh vực truyền hình. Chỉ riêng trong lĩnh vực văn học không tạo được ảnh hưởng đáng kể, bất chấp những nỗ lực của họ như bỏ tiền ra dịch và in sách tại Việt Nam, tổ chức các hội thảo tọa đàm về văn chương Hàn, tổ chức các cuộc thi cho giới trẻ… Có nhiều lý do, nhưng lý do được xem là chính yếu là việc lựa chọn sai tác phẩm để giới thiệu.
Các tác phẩm được dịch sang tiếng Việt thường là các tác phẩm rất nổi tiếng tại Hàn Quốc về đề tài hậu chiến tranh hay những nỗi ám ảnh về chiến tranh. Điều này có thể phù hợp với bạn đọc Hàn nhưng không phù hợp với bạn đọc Việt Nam vốn đã có không ít tác phẩm về đề tài này.
Câu chuyện quảng bá văn học Hàn tại Việt Nam là bài học đáng giá cho những ai mong muốn quảng bá văn học Việt ra thế giới. Qua rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị vẫn chưa có bất cứ một định hướng cụ thể nào cho việc đưa văn học Việt ra khỏi biên giới, chưa nói đến chuyện có định hướng cụ thể cho từng vùng bạn đọc.
Ngay cả ở nước cạnh chúng ta như Trung Quốc, tại hội nghị vừa qua cũng không có ai đặt câu hỏi cho đoàn đại biểu Trung Quốc rằng hiện nay bạn đọc Trung Quốc muốn đọc gì và văn học Việt Nam muốn đến với bạn đọc Trung Quốc nên chọn những tác phẩm như thế nào? Cứ thế, việc quảng bá văn học Việt Nam hiện vẫn mang tính chất chung chung, giới thiệu cái mình có hơn là cái mà bạn đọc các nước cần.
TƯỜNG VY