Quảng bá, xúc tiến du lịch vẫn mạnh ai nấy làm

Ngày 10-4, trong hội nghị công tác xúc tiến du lịch năm 2024, do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, nhiều ý kiến thẳng thắn chỉ ra sự manh mún, mạnh ai lấy làm trong xúc tiến quảng bá. 

Hội nghị công tác xúc tiến du lịch năm 2024
Hội nghị công tác xúc tiến du lịch năm 2024

Đại diện Vietnam Airlines, đơn vị tham gia tích cực trong việc tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong nhiều năm qua cho biết, hiện xu hướng các địa phương tự xây dựng các chương trình xúc tiến riêng lẻ.

Vị này nêu dẫn chứng, với thị trường Trung Quốc, dự kiến tháng 4, tỉnh Khánh Hòa tổ chức chương trình quảng bá xúc tiến; tiếp đó tháng 6 sẽ là Quảng Nam; tháng 10 dự kiến là chương trình của tỉnh Kiên Giang... Khi chúng ta cứ đi một cách nhỏ lẻ như thế thì thông điệp sẽ mỏng, không có nhiều nguồn lực để xây dựng chương trình có tính lan tỏa mạnh, tạo ấn tượng sâu sắc về Việt Nam...

Nhiều ý kiến cũng cho rằng Bộ VH-TT-DL, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cần xây dựng hành lang chung, thông điệp chung từ sớm, từ xa để các doanh nghiệp, sở du lịch các tỉnh có thể theo đó mà có kế hoạch dài hạn, huy động được nguồn lực chung...

Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội cho rằng, cần đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác giữa các đơn vị du lịch thay vì hoạt động riêng lẻ. Bên cạnh đó, tận dụng các liên hoan phim quốc tế, đưa du lịch gắn với điện ảnh, thông qua đó lồng ghép những điểm đến đẹp của Việt Nam bằng các câu chuyện, nội dung phim.

Chung nhận định, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cũng kiến nghị cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với từng địa phương, đẩy mạnh kết nối tới các địa bàn trọng điểm như Đức, Australia... tổ chức ngày Việt Nam tại nước ngoài và có hướng dẫn cụ thể hơn để phân loại, điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch...

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH-TT- DL Hồ An Phong cũng cho rằng, nếu không đổi mới trong hoạt động xúc tiến, quảng bá thì sẽ nhàm chán. Thời gian qua, du lịch Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu phục hồi và thu được một số kết quả khả quan song so với các nước láng giềng, các thị trường cạnh tranh thì du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa, nhiều vấn đề cần giải quyết.

"Nếu so sánh kết quả của ngành mới đạt tới thời điểm trước Covid-19 tức là năm 2019 thì thực tế chúng ta đã tụt hậu 4-5 năm. Vì vậy cần phải nhận định rõ mình đang ở đâu"- Thứ trưởng Hồ An Phong nói, đồng thời chỉ rõ trong tình hình thế giới đang xảy ra xung đột, kinh tế suy giảm, người dân thắt chặt chi tiêu... thì du lịch gặp khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Bởi vậy cần phải xác định thị trường chiến lược để xây dựng chương trình có điểm nhấn, có chất lượng, phải thay đổi cách làm xúc tiến, quảng bá, không làm èo uột...

Tin cùng chuyên mục