Quảng Bình: Hàng ngàn học sinh không đủ cơ sở vật chất học trực tuyến

Ngày 3-9, ông Bùi Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) cho biết, theo kế hoạch năm học 2021-2022 Sở GD-ĐT ban hành học trực tuyến từ cấp tiểu học trở lên, thì huyện miền núi Minh Hóa không đủ cơ sở vật chất để học sinh học trực tuyến.

 

Trường học ở xã miền núi Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, không đủ điều kiện học trực tuyến do không có điện, sóng điện thoại, internet
Trường học ở xã miền núi Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, không đủ điều kiện học trực tuyến do không có điện, sóng điện thoại, internet

Ngày 1-9, ông Đăng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình ký văn bản yêu cầu tổ chức học bằng hình thức trực tuyến đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Không tổ chức dạy học trực tuyến với giáo dục mầm non.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Anh Tuấn, Minh Hóa là huyện rẻo cao, đa số đồng bào dân tộc thiểu số, các thôn bản ở vùng núi hẻo lánh, việc học trực tuyến diễn ra rất khó khăn. Bà con không đủ nguồn lực sắm ti vi, máy tính cho các con học trực tuyến. Nhiều gia đình có 3-5 con theo học, không đủ nguồn lực sắm máy móc, kinh tế khó khăn. Trong khi đó, vùng núi rẻo cao, kết nối mạng đến các bản làng cũng rất nan giải.

Quảng Bình: Hàng ngàn học sinh không đủ cơ sở vật chất học trực tuyến ảnh 1 Gia đình ông Hồ Thông, Thượng Sơn, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình có 4 đứa con học lớp 10, lớp 8, lớp 5, lớp 3 khó khăn nếu áp dụng học trực tuyến 

Tương tự, lãnh đạo các huyện Tuyên Hóa, Quảng Ninh, Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Trạch, Ba Đồn… cũng phản ánh cơ sở vật chất cho học sinh học trực tuyến đang vô cùng khó khăn. Miền núi không thể kết nối với kênh VTV7 để học. Vùng nông thôn và thành phố, thị xã, trung tâm huyện lỵ, con em nhân dân không đủ điều kiện sắm máy tính, dẫn đến không thể đáp ứng yêu cầu học trực tuyến theo văn bản của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình.

Hiện tại Quảng Bình tình hình dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng diễn biến phức tạp, TP Đồng Hới và huyện Bố Trạch phải thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ qua tuần thứ 2. Nhiều xã của nhiều huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy phải giản cách theo chỉ chị 16, các huyện còn lại giản cách theo chỉ thị 15.

Bí thư huyện ủy huyện Minh Hóa cho biết, năm học 2021-2022, huyện Minh Hóa có 9.162 học sinh, khảo sát bước đầu có gần 6.000 học sinh không đủ cơ sở vật chất học trực tuyến.

Trước tình hình này, chiều ngày 3-9, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ký công văn điều chỉnh thời gian tổ chức dạy học. Theo đó, công văn hỏa tốc thống nhất thời gian tổ chức dạy học đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên bắt đầu từ ngày 20-9.  Riêng đối với lớp 9 và lớp 12 cần nghiên cứu áp dụng hình thức dạy học thông qua Đài Phát thanh -Truyền hình Quảng Bình, tổ chức từ ngày 6-9 đến 20-9.

UBND tỉnh Quảng Bình giao Sở GD-ĐT căn cứ tình hình dịch Covid -19 trên địa bản toàn tỉnh và điều kiện của học sinh các vùng miền, nhất là học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, gia đình có hoàn cảnh khó khăn để có hình thức dạy học phù hợp đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid - 19. Báo cáo trước ngày 15-9 để UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Việc lùi thời gian học vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, vừa giảm áp lực cho cô trò, địa phương có thời gian chuẩn bị phòng học trực tuyến ở các bản qua nhà văn hóa nếu học trực tuyến.

Tin cùng chuyên mục