Họ nghèo khó nhưng biết tự lực mưu sinh kiếm sống bằng đôi quang gánh oằn nặng trên vai, len lỏi khắp phố thị. Cả cuộc đời chưa bao giờ họ dám nghỉ “xả hơi” và vui với niềm vui của riêng mình. Ở đô thị tráng lệ như TPHCM hiện nay, vẫn còn số lượng không nhỏ những người bán hàng rong, với đủ mọi lứa tuổi. Trong đó, chiếm không nhỏ là những người già, tàn tật...
Chuyện của người xa quê
Những người bán hàng rong ở TPHCM đến từ rất nhiều nơi, trong đó đa phần từ các tỉnh miền Trung như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… Và một số tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Bình Phước… Họ đến miền đất hứa với hy vọng sẽ tìm được công việc tốt hơn để mưu sinh và dành dụm được nhiều tiền hơn lúc ở quê.
Bác Trần Xuân Lập, quê Quảng Ngãi, vừa tất bật xếp chồng báo trên lề đường vừa nói: “Tôi vào đây được hơn 2 tháng, nghe nói bán báo dạo trong này cũng có tiền nên tôi quyết định vào. Ở quê làm ruộng thu nhập ít lắm mà làm quần quật cũng không đủ ăn anh ạ! Mới bán báo được 2 tháng nhưng tôi thấy cuộc sống ở đây khá hơn nhiều”.
Cùng tuổi già như nhau, nhưng mỗi buổi sáng sớm, có không ít người cao tuổi ở thành phố thư thả đi tập thể dục, đọc sách báo hay còn ngủ trên giường thì cũng thời điểm ấy, không ít người già phải tất bật sửa soạn và chuẩn bị cho mình một ngày mới, một ngày dài rong ruổi trên khắp các con phố ở đất Sài thành. Những bước chân nhẫn nại với lỉnh kỉnh các thứ đồ đạc trên vai, lại theo họ đi dài với cuộc mưu sinh giữa đời sống thường ngày. “Tôi cũng muốn ở nhà vui vầy với con cháu và gia đình lắm chứ, nhưng vì cuộc sống quá khó khăn nên đành phải bươn chải để phụ giúp con cái thôi”, bác Lập bộc bạch.
Trước cửa chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) có một bà lão đã hơn 70 tuổi. Cụ Nguyễn Thị Na bán bánh mì dạo ở khu vực chợ và lăng Ông (Lê Văn Duyệt) đã 3 năm nay. Ở quê Bình Phước, cụ Na cũng có gia đình, con cháu, tất cả đều đã trưởng thành và yên bề gia thất, tuy nhiên hầu hết đều còn khó khăn. Như cụ nói: “Có ai lo cho mình được nhiều đâu, tụi nhỏ còn có con cái, gia đình riêng và lo cho cuộc sống của tụi nó chứ. Tôi không muốn là gánh nặng của con cái, còn làm được chừng nào thì làm cho tụi nó bớt khổ”. Ở Sài Gòn, cụ thuê nhà trọ mỗi tối mất 10.000 đồng cộng với ăn uống hàng ngày, vị chi cũng tốn hơn 1 triệu đồng/tháng, số tiền còn lại chẳng đáng là bao nhưng theo cụ “dù sao cũng hơn ở quê nhiều”. Ở thành phố đông đúc, người xe qua lại như mắc cửi, tuy sống đã lâu nhưng cụ vẫn chưa quen được cách qua đường, quen với nhịp sống hối hả của Sài thành hoa lệ.
Hỏi cụ có nhớ quê không? Cụ trầm ngâm rồi buông ánh mắt vào khoảng không, nói: “Có chứ! Nhớ quê nhiều lắm! Nhất là những lúc về khuya một mình, khi đường phố đã vắng lặng, lại thấy chạnh lòng. Muốn về thăm quê nhưng ngại tốn kém nên tôi cứ rong ruổi quang gánh thế này đến khi nào không còn sức gánh được nữa thì thôi. Đã ba cái tết rồi tôi chưa về quê, ra Giêng năm nay sẽ cố gắng dành dụm để về với con cháu”. Cụ tuy cười nhưng ánh mắt lại hiện lên nét buồn rười rượi.
Trên đường mưu sinh
Tự lực kiếm sống
“Bà ơi! bán cho con 2 chén tàu hũ”, tôi gọi một bà cụ đang quẩy đôi gánh và cất tiếng rao qua ngang nhà.
Buổi trưa, trời thành phố vào tiết xuân nhưng ánh nắng vẫn gay gắt và đôi quang gánh trên vai dường như quá sức của bà, mồ hôi rịn ra ướt hết lưng áo. Như thể chỉ chờ có người gọi, bà tranh thủ nghỉ ngơi ít phút. Do bán tàu hũ nên bà phải gánh theo đủ thứ, nào là nước, chén, ghế… Tôi hỏi bà gánh như vậy có nặng và mệt không? Bà nói: “Nặng thì có nặng nhưng gánh riết cũng quen rồi cháu ạ! Bán hàng này mà không đi chỗ này chỗ khác thì chỉ có ế”. Có lẽ vì thế mà bà phải gánh đi vòng vèo hết con đường này đến con hẻm khác, hết khu phố này sang khu phố khác. Từ đường Nguyễn Kiệm đến Thích Quảng Đức, Phan Đăng Lưu, Phan Xích Long… từ quận 3 sang quận 1 rồi Bình Thạnh, riết rồi bà cũng không nhớ hết mỗi ngày mình đã quẩy bước qua bao nhiêu con đường. Buổi trưa, bà chỉ ăn tạm ổ bánh mì hay dĩa cơm bình dân cho qua bữa. “Nói đã quen quang gánh nhưng tối về đến nhà là cả người cũng ê ẩm, đau nhức lắm”, bà buột miệng nói. Hơn 20 năm qua, bà vẫn chưa nghĩ đến việc bỏ quang gánh khỏi đôi vai của mình, bởi bà còn nhiều chuyện phải tính và phải làm. “Đi bán dạo thế này cũng có lợi lắm đó, đây là cách tập thể dục hay nhất, không tốn kém. Về già rồi mà không làm việc gì cũng chán. Tôi còn đủ sức kiếm tiền thì cứ đi, không phải lệ thuộc, dựa dẫm ai cả, như vậy cũng thấy dễ chịu lắm rồi”, bà tếu táo.
Có hoàn cảnh tương tự nhưng cụ bà Phan Tùng Thi, 68 tuổi, lại chất trên đôi quang gánh của mình đủ thứ vật phẩm linh tinh, từ cóc, ổi, kẹo, bánh, đồ chơi, cốm bỏng… đi bán dạo cho trò nhỏ ở trước các trường học. Khi cánh cổng trường đóng lại, bà quẩy gánh hàng lên vai rồi bộ hành trên lề đường công viên Hoàng Văn Thụ. Theo mời mọc các đôi trai gái một đoạn dài mà chẳng ai mua, bà mệt mỏi đặt gánh hàng xuống rồi ngồi thừ trên ghế đá. Tôi mua giúp bà vài bịch cốm, dăm ba trái ổi để bắt chuyện làm quen, một niềm vui nho nhỏ chợt lóe lên trong ánh mắt của bà.
“Hình như bà không phải dân thành phố?”, tôi hỏi. Bà nói: “Quê tôi ở Thanh Hóa, mới vào đây được hơn tháng. Ngoài đó tôi cũng đi bán dạo nhưng được ít lắm, mỗi ngày chỉ được khoảng dăm bó rau, vài con cá, ký thịt nên vào đây hy vọng bán được nhiều hơn”. Bà Thi cho biết có hai người con gái và đều đã có gia đình nhưng đứa nào cũng thiếu ăn. “Tôi ở quê chẳng khác nào là gánh nặng cho con cháu nên vào đây bán dạo mưu sinh và chi tiêu dè sẻn để có tiền gửi về phụ con lo cho đứa cháu ngoại bị bệnh bại não. Tội nghiệp con bé, nó học rất giỏi lại hiếu thảo với ông bà, cha mẹ vậy mà…”, bà nói và nước mắt lưng tròng.
Tôi hiểu bà đang rất cần một người để chia sẻ. Chỉ một lời động viên hay hỏi thăm thôi cũng là quý lắm rồi. Bà kể cho tôi nghe tất cả, như một cách để cho vơi bớt nỗi lòng và cũng để lấy thêm dũng khí cho mình.
Đưa tay quệt vội giọt nước mắt, bà đứng lên nhìn tôi rồi nói: “Bà đi cháu nhé, cảm ơn đã mua ủng hộ và tâm sự cùng bà…”. Thở một hơi dài nặng nhọc, bà lại quẩy gánh hàng đi theo lối cũ để mời chào những đôi tình nhân trong ánh chiều chạng vạng. Nhìn bóng dáng bé nhỏ của bà Thi khuất xa sau hàng cây công viên, tôi chạy xe về mà trong lòng bao nỗi trăn trở, nghĩ suy.
Tự đặt ra câu hỏi cho chính mình để hiểu rằng giữa cuộc đời này vẫn còn có biết bao nhiêu số phận cần được giúp đỡ và sẻ chia. Nhưng điểm sáng mà tôi thấy được chính là nghị lực từ những con người ấy. Họ không bao giờ dừng bước và đầu hàng số phận, cho dù nhiều lúc tưởng chừng như họ bị “cơn bão” của cuộc đời đánh ngã. Chính vì thế dù nắng hay mưa, dù giá lạnh hay đêm tối, những gánh hàng rong “chở” biết bao số phận vẫn đi về trên ngõ phố thị thành.
TIẾN NGUYỄN