
1. Gần đây, đọc trên báo chí thấy hàng loạt tổ chức thể thao cấm khán giả mang cây kèn vuvuzela vào sân, bỗng nhớ đến cái “trữ tình ngoại đề” này tại Nam Phi. Sau CLB Tottenham Hotspur đến các CLB Arsenal, West Ham, Birmingham, Blackpool ở giải Anh ban lệnh “trục xuất” cây kèn nổi tiếng này ra khỏi sân vận động.
Các quyết định này không đơn thuần do các lãnh đạo câu lạc bộ đưa ra. Trước đó nó đã được tham khảo ý kiến của cảnh sát và chính quyền địa phương. Lý do: Tiếng ồn của dàn đồng ca vuvuzela có thể khiến khán giả không thể nghe được những thông báo của ban tổ chức trong trường hợp sân bị cháy nổ hay nghi ngờ bị đặt bom chẳng hạn. Khi lệnh cấm gắn liền với vấn đề an ninh, nó hoàn toàn chính đáng, không thể bác bỏ.
Trước đó, ban tổ chức sân quần vợt Wimbledon và ban tổ chức giải đua thuyền Henley Royal cũng đã áp dụng chính sách “bế môn tỏa cảng” với chiếc kèn này. Ở thành phố Cologne (Đức), người hâm mộ sẽ bị phạt 35 euro nếu mang kèn vuvuzela vào sân vận động.
2. Ngay khi World Cup 2010 đang diễn ra, có nơi còn thành lập một trang web lấy tên “www.antivuvuzela.net” (chống vuvuzela) để thu thập các đơn thỉnh cầu gửi lên FIFA nhằm gây áp lực, với hy vọng tổ chức này cấm mang kèn vuvuzela vào sân nhằm đem lại sự bình yên cho khán giả trên sân lẫn khán giả truyền hình. Chiến dịch “anti-vuvuzela” của trang web này đã thu thập được chữ ký của người hâm mộ từ 79 quốc gia, trong đó có cả Việt Nam.
Trang web này than phiền: “Tiếng kèn vuvuzela giống như có hàng triệu con ong đang bay trong tivi và chúng tôi không thể nào “tắt” chúng”. Thực ra, những lời than phiền này trước đó một năm đã vang lên từ các đội bóng tham dự giải Confederations Cup, được biết như giải Tiền-World Cup tổ chức tại chính Nam Phi.
Nhưng, như chúng ta đã biết, các nhà lãnh đạo FIFA đã phớt lờ. Họ nhếch mép: “Ráng chịu đựng một chút đi mấy cha nội! Đó là nhạc cụ dân tộc, là bản sắc văn hóa của nước chủ nhà mà! Cấm sao được mà cấm!”.
3. Các đội tuyển quốc gia thuộc sự lãnh đạo và quản lý của FIFA, các sếp đã nói vậy không thể không nghe. Hơn nữa, dẫu sao tác hại của tiếng kèn này cũng không “buông tha” bất cứ đội nào. “Khó người khó ta”, nghĩ vậy mà các đội đành ngậm bồ hòn làm ngọt, mặc dù nhiều người rất khó chịu - như Bert van Marwijk, HLV đội Hà Lan. Ông cực ghét tiếng kèn này, thậm chí ông cấm cả cổ động viên mang kèn vô sân tập, lý do là tiếng kèn át cả tiếng ông chỉ đạo học trò.
Cầu thủ, như Van Persie, chỉ khoái tiếng kèn này mỗi chỗ: nếu lỡ đá bóng đi sau tiếng còi trọng tài thì có thể gân cổ chối tội: “Cả ngàn tiếng kèn như sấm nổ bên tai, bố tôi cũng không nghe được tiếng còi nữa là tôi!”, thế là trọng tài chỉ biết cười méo xẹo. À, chỉ có duy nhất thủ môn Itumeleng Khune trong trận đối đầu với tuyển Mexico là cho rằng tiếng kèn vuvuzela ầm ĩ trên khán đài còn... nhỏ quá, nghe chưa “đã”, chưa “sung”. Cũng dễ hiểu: Itumeleng Khune là thủ môn... đội Nam Phi!

Cổ động viên và chiếc kèn vuvuzela tại World Cup 2010.
4. Thế còn khán giả? Tất cả những ai theo dõi World Cup 2010 qua tivi đều cảm thấy ù tai với âm thanh của tiếng kèn này. Theo Reuters, “những âm thanh của kèn vuvuzela có thể đạt tần suất âm thanh lên tới 144 decibel, tạo ra những tiếng ồn khó chịu hơn cả tiếng động cơ máy bay”. Tờ The Sun chứng minh bằng cách so sánh: Tiếng thì thầm: 15 decibel, nói chuyện bình thường: 60 decibel, máy cắt cỏ: 90 decibel, còi xe ô tô: 110 decibel, buổi biểu diễn nhạc rock: 120 decibel, máy bay chở khách: 140 decibel, vuvuzela: 144 decibel. Mà lỗ tai con người tiếp xúc với âm thanh cỡ 137 decibel trong vòng 15 phút là chịu hết xiết rồi.
Trang công nghệ Pocket-lint (Anh) động lòng, đành viết bài hướng dẫn khán giả truyền hình loại bỏ những âm thanh “u u” trên tivi bằng cách giảm kênh tần số 300 Hz xuống, đồng thời tăng các kênh tần số khác lên, tất nhiên không loại bỏ được hẳn nhưng cũng giảm thiểu được phần nào. Một cách khác: mua phần mềm Anti Vuvuzela Filter hoặc Surfpoten, có tác dụng gây nhiễu, ngăn chặn và giảm tối đa âm thanh của kèn vuvuzela.
Tóm lại, những ngày diễn ra giải bóng đá thế giới tại Nam Phi, lên Google gõ chữ “antivuvuzela” hoặc “antivuvuzelafilter”, bạn sẽ thấy vô số những trang web giới thiệu và bày bán các phần mềm giúp đôi tai bạn không bị hỏng hóc trong mùa World Cup.
Sven Wipperfurth, một cổ động viên 27 tuổi người Đức phải đến gặp bác sĩ vì đôi tai của anh bị ảnh hưởng nặng nề bởi tiếng vuvuzela khủng khiếp từ một cổ động viên đứng bên cạnh phát ra. Đó là Sven Wipperfurth xem bóng đá tại quê nhà.
Các khách du lịch ùn ùn tới Nam Phi coi đá bóng, muốn không rơi vào trường hợp khốn khổ của Sven Wipperfurt hổng lẽ mua vé máy bay quay trở về, đành phải bấm bụng móc ví mua miếng nhét lỗ tai có tên là “Vuvu-Stop”. Mặt hàng “trời ơi” này đắt hàng đến nỗi làm ra bao nhiêu cũng không đủ bán, tự nhiên trở thành “best-seller” đến mức các mặt hàng khác phải tôn là sư phụ.
5. Ngoài các tác động như đã nói ở trên, hệ quả lớn nhất do tiếng kèn vuvuzela gây ra là nó phủ một thứ âm thanh đơn điệu suốt giải đấu, đồng thời phá hỏng các kiểu cổ động, các cách thức bộc lộ tình cảm của cổ động viên các quốc gia khác trên khán đài. Xem các World Cup trước, người xem còn nghe tiếng ca hát, tiếng kèn trống thanh la chũm chọe, được thưởng thức các điệu nhảy đa dạng và nhiều màu sắc của các nền văn hóa khác nhau.
Năm nay khán giả chỉ nghe mỗi tiếng kèn vuvuzela vô cảm và nhìn lên khán đài hầu như chỉ thấy... những người thổi kèn. Sự phong phú của văn hóa các vùng miền thể hiện trên các khán đài World Cup bỗng nhạt nhòa đi nhiều. Xưa nay, đã có nhiều quốc gia được tổ chức World Cup tới 2 lần như Mexico, Ý, Pháp, Đức, sắp tới là Brazil. Riêng Nam Phi, nếu xin đăng cai lần nữa, tôi nghĩ chắc lãnh đạo FIFA sẽ lắc đầu.
Tất nhiên lý do từ chối không phải do trình độ bóng đá nước chủ nhà yếu kém hay do cơ sở vật chất không đủ tiêu chuẩn. Chỉ là vì FIFA không muốn lần nữa “điếc tai” vì những lời kêu ca, than phiền về chiếc kèn “điếc tai” kia!
Chu Đình Ngạn