Quốc hội giám sát về đầu tư công vào tam nông: Khẩn trương mở nút thắt thể chế

Quốc hội giám sát về đầu tư công vào tam nông: Khẩn trương mở nút thắt thể chế

Ngày 5-6, Quốc hội (QH) dành trọn ngày làm việc để thực hiện phiên giám sát tối cao về thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đa số ý kiến ĐBQH nhất trí QH cần có một nghị quyết về vấn đề này theo hướng tăng cường đầu tư lĩnh vực tam nông trong thời gian tới. Song song đó, xem xét sửa đổi cơ chế, chính sách một cách đồng bộ để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công vào khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới.

  • Đầu tư chưa tương xứng

Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sau khi Nghị quyết Trung ương lần thứ 7 được ban hành, đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được quan tâm nhiều hơn và mức đầu tư tăng lên rõ rệt. Trong giai đoạn 2009-2011, mức đầu tư vào khu vực này tăng theo từng năm với tổng vốn 286.212 tỷ đồng, bằng 52,3% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ, gấp 1,95 lần so với trước khi có nghị quyết (giai đoạn 2006-2008). Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ngày càng được tăng cường và hoàn thiện, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng hiện đại; từng bước giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo; đảm bảo an sinh xã hội ngày càng tốt hơn, đồng thời có tiến bộ về cải thiện môi trường sinh thái.

Tuy nhiên, dù Nhà nước đã chú trọng đầu tư khu vực tam nông nhưng thực tế mới chỉ đáp ứng được 55% - 60% yêu cầu, nên chưa phát huy hết tiềm năng trong nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng chính là điều trăn trở của nhiều ĐBQH trong phiên giám sát hôm qua, bởi thực tiễn vừa qua cho thấy chính nông nghiệp là cứu cánh khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Theo ĐB Trần Xuân Vinh (Quảng Nam), tỷ lệ vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn so với GDP ngày càng giảm, mặc dù số tuyệt đối tăng. Theo báo cáo giám sát của UBTVQH, tổng vốn đầu tư năm 2006 - 2011 hơn 433.000 tỷ đồng. Tính bình quân mỗi năm cho mỗi xã đầu tư kết cấu hạ tầng chỉ khoảng 10 tỷ đồng.

ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng đầu tư cho nông nghiệp chưa tương xứng tiềm năng, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp bất cập, nhiều con em nông dân phải ra thành thị kiếm việc làm, hoặc học xong không về địa phương. Nông thôn giờ chỉ còn người già, trẻ con. Điều đó khiến lực lượng lao động không đáp ứng yêu cầu.

  • “Rừng” văn bản nhưng không rõ trách nhiệm

Trong khi đó, vẫn còn nhiều bất cập trong thực tế triển khai các chính sách đầu tư công vào tam nông. Theo nhiều ĐBQH, còn tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao; một số nơi xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư. Việc đầu tư thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay nơi quá nhiều, nơi lại rất thiếu do chương trình chồng chéo, chưa được lồng ghép tốt.

Qua thực tế giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết: “Nhiều công trình hiệu quả đạt thấp do bố trí vốn đầu tư không đáp ứng tiến độ được duyệt, đầu tư thiếu đồng bộ, thi công kéo dài gây lãng phí nguồn lực; chất lượng công tác khảo sát, thiết kế chưa đạt yêu cầu ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả công trình…”.

Thống nhất với nhận định của UBTVQH cho rằng đã có rất nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) phân tích thêm, với một “rừng” văn bản như thế rất dễ xảy ra chồng chéo, trùng lắp. Đầu tư xây dựng nhà ở cho đồng bào vùng ngập lũ ĐBSCL có tới 5 quyết định của Thủ tướng. Trong khi đó, những chính sách có tính đột phá về KH-CN nông nghiệp lại rất thiếu, khiến lĩnh vực này không có tính cạnh tranh cao. Hoạt động khuyến công chưa hiệu quả, trong khi công nghiệp có liên hệ hữu cơ với nông nghiệp hiện đại.

ĐB Giàng Seo Phử, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cũng đồng tình rằng, chính sách đầu tư vào tam nông ban hành nhiều nhưng chồng chéo và dường như không có ai kiểm soát nên cần đánh giá lại một cách tổng thể.

ĐB Giàng Seo Phử, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, phát biểu tại hội trường.

ĐB Giàng Seo Phử, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, phát biểu tại hội trường.

  • Nâng tầm nhìn quy hoạch

Đặc biệt, vấn đề quy hoạch nông thôn thiếu tầm nhìn dài hạn được nhiều ĐBQH đề cập. Theo ĐB Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình), nhiều quy hoạch mang từ tỉnh này sang tỉnh kia, không có quy hoạch từng vùng, từng tỉnh, chất lượng quy hoạch thấp.

Trong khi đó, ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) nhận định chính sách thiếu quy hoạch vùng sản xuất tập trung đã kêu nhiều lần nhưng nay vẫn chưa chuyển biến, rất ít vùng sản phẩm được xác định, dù có cũng tự phát và người dân chưa được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, sản phẩm. Trăn trở về việc sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam chưa vươn tới chất lượng cao, xuất khẩu kém giá so với sản phẩm tương tự của Thái Lan, ĐB Trịnh Thế Khiết chỉ ra nguyên nhân do chưa có quy hoạch sản phẩm mũi nhọn theo vùng miền, chưa đầu tư xứng đáng để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu.

Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn lớn, kinh doanh lâu dài, chính sách hạn điền phải thay đổi. Thời gian sử dụng đất nông nghiệp nên dài hơn, khoảng 50 năm. UBTVQH cho rằng, việc khống chế hạn điền trong sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân quy định tại điều 70 Luật Đất đai đã ảnh hưởng đến quá trình tích tụ ruộng đất để tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh lớn có điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Việc quy định thời hạn sử dụng đất đến nay đã gần hết thời hạn giao đất nhưng chưa có chủ trương cụ thể nên nông dân không mạnh dạn và an tâm đầu tư. Đây là vấn đề cần sớm được tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.

Nhiều đại biểu kiến nghị cần có chính sách để tăng cường các ứng dụng khoa học kỹ thuật, thu hút đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp để nâng cao giá trị hàng nông sản.

Theo ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên), hiện nay chúng ta chưa có quy hoạch bài bản về nông nghiệp chất lượng cao, các chính sách mới chỉ mang tính dàn đều, manh mún nên hiệu quả thấp. Mặt khác, nguồn vốn tín dụng dành cho nông nghiệp nông thôn còn ít, nông dân khó tiếp cận. Do vậy nhiều ĐB kiến nghị tăng mức cho vay đối với nông dân, ngư dân đánh bắt xa bờ… 

BẢO MINH – ANH THƯ

  • Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: Sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có

Tôi nhất trí với ý kiến của các ĐBQH cần tăng đầu tư và hiệu quả đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, đồng thời tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này. Chúng ta cần tăng đầu tư hỗ trợ các hộ nghèo, các vùng nghèo còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, tăng cường quan tâm đến phòng tránh thiên tai, đối phó với biến đổi khí hậu. Từ năm 2006 đến năm 2020 cần nâng cấp 20.590km đê biển, nhưng đến nay mới hoàn thành được 418km.

  • Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Tăng đầu tư, ưu đãi thuế và tín dụng

Chúng tôi dự kiến trình Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi tiền sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm khuyến khích đầu tư, nhất là các dự án đầu tư áp dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến nông sản thực phẩm sau thu hoạch, dự án đầu tư vào vùng đặc biệt khó khăn. Sẽ tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi nông nghiệp, nông thôn, thông qua các chương trình kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông nông thôn, cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn, hạ tầng thủy lợi cho cánh đồng mẫu lớn. Đặc biệt, sẽ bố trí ngân sách nhà nước trực tiếp đối với hộ nông dân và địa phương theo diện tích trồng lúa để đảm bảo giữ diện tích trồng lúa khoảng 3,8 triệu ha.

HÀM YÊN ghi

Tin cùng chuyên mục