Ngày 28-7, Hạ viện Italia đã thông qua kế hoạch gây tranh cãi về các biện pháp nhằm cắt giảm ngân sách do chính phủ của Thủ tướng Silvio Berlusconi đưa ra. Đây là kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" nghiêm ngặt nhằm kiềm chế mức thâm hụt ngân sách công đang ngày một phình lớn và để củng cố lòng tin đối với các thị trường.
Trước đó, ngày 15/7, kế hoạch này đã được Thượng viện Italia thông qua. Như vậy, kế hoạch này sẽ chính thức có hiệu lực sau khi được Tổng thống Italia ký ban hành thành luật trong ngày 29-7.
Kế hoạch kinh tế khắc khổ trị giá tổng cộng 25 tỉ ơrô này của Italia được thực hiện chủ yếu thông qua cắt giảm chi tiêu, ngừng tăng lương trong nhiều ngành công cộng và siết chặt kiểm soát nhằm ngăn chặn tình trạng thất thu thuế. Với kế hoạch này, Chính phủ Italia hy vọng sẽ giảm được thâm hụt ngân sách công từ mức 5,3% GDP năm 2009 xuống còn 2,7% GDP vào năm 2012 và coi đây là những biện pháp quan trọng nhằm tránh một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự như ở Hy Lạp. Italia hiện là một trong những nước có nợ công cao nhất thế giới với khoản nợ ước tính lên tới 118,4% GDP trong năm nay.
Theo các nhà phân tích, các cuộc bỏ phiếu tại hai viện quốc hội của Italia đối với kế hoạch kinh tế khắc khổ này được nhìn nhận như các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ trung hữu của Thủ tướng Bécluxcôni trong bối cảnh các đảng đối lập, các tổ chức công đoàn và dư luận quần chúng không ủng hộ và thậm chí đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình phản đối kể từ khí chính phủ thông qua kế hoạch này hồi cuối tháng 5 vừa qua.
Ngày 25-6, tổ chức công đoàn CGIL, tổ chức công đoàn lớn nhất ở Italia, đã phát động một cuộc tổng đình công và biểu tình tuần hành với sự tham gia của hàng trăm nghìn người để phản đối các các biện pháp kinh tế khắc khổ của chính phủ. Những người phản đối cho rằng kế hoạch nhằm giải quyết vấn đề kinh tế chung của đất nước, nhưng đối tượng bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất lại là tầng lớp những viên chức và người lao động nghèo có mức thu nhập "khiêm tốn" và đời sống vốn đã rất khó khăn.
TTX