Quốc hội lập 4 đoàn khảo sát phục vụ việc thẩm tra Luật Cảnh sát cơ động

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã có kế hoạch thành lập 4 đoàn khảo sát và sẽ bắt đầu làm việc tại một số địa phương, đơn vị để phục vụ việc thẩm tra dự án Luật Cảnh sát cơ động - vốn nhận được gần 300 góp ý tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu kết luận buổi làm việc
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu kết luận buổi làm việc

Ngày 1-12, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm việc với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh về dự kiến kế hoạch giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động sau khi đã được các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, dự án luật là 1 trong 5 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, được các đại biểu rất quan tâm, với tổng số 299 ý kiến phát biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, kể từ sau kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, Thường trực Ủy ban đã tập trung xây dựng kế hoạch giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động; kế hoạch tổ chức tọa đàm đàm lấy ý kiến về dự thảo luật. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đã có kế hoạch thành lập 4 đoàn khảo sát và sẽ bắt đầu làm việc tại một số địa phương, đơn vị.

Sau khi nghe các ý kiến của đại biểu dự họp, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, phát biểu thẳng thắn, khách quan và xây dựng của các đại biểu; đồng tình cần phải thống nhất phạm vi quy định của dự thảo luật trên 4 nội dung gồm: chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ phối hợp của cảnh sát cơ động.

Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật phải thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý về quan điểm chỉ đạo của Trung ương là “cái gì đã chín, đã rõ, được sự đồng thuận thì đưa vào xây dựng luật” và "không đi nhiều vào khái niệm gây khó hiểu", đồng thời tán thành kế hoạch khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh phục vụ việc thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động.

Dự kiến, trong tháng 1-2022, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và ban soạn thảo sẽ hoàn thành tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (dự kiến tháng 2-2022) trước khi gửi xin ý kiến Hội đồng Dân tộc, các ủy ban, các đoàn đại biểu Quốc hội.

Tin cùng chuyên mục