Cân nhắc kỹ quyền huy động phương tiện, thiết bị của cảnh sát cơ động

Về dự án Luật Cảnh sát cơ động, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cân nhắc rất kỹ những quy định có liên quan đến quyền con người, công dân đã được Hiến pháp bảo vệ.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp

Hai dự án luật, gồm Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tổ chiều 21-10.

Về dự án Luật Cảnh sát cơ động, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cân nhắc rất kỹ những quy định có liên quan đến quyền con người, công dân đã được Hiến pháp bảo vệ.

Cụ thể, theo ĐB, dự thảo cần làm rõ thẩm quyền của lực lượng cảnh sát cơ động trong huy động con người, phương tiện, thiết bị để thực hiện nhiệm vụ cấp bách.

“Huy động ở đây có tính chất tương tự trưng dụng, thì trình tự, thủ tục phải quy định rõ ngay trong luật này. Những trường hợp không được huy động cũng phải nêu rõ. Việc đền bù, nếu có, phải tiến hành theo giá thị trường chứ không chỉ viết chung chung là “đền bù”" ĐB Nguyễn Mạnh Cường cho biết.

Đặc biệt, ĐB hết sức băn khoăn về khoản 6, điều 10 của dự thảo khi điều khoản này không quy định ai có thẩm quyền “vào nơi ở của cá nhân, trụ sở để giải cứu con tin, trấn áp tội phạm”. ĐB Cường nhận xét: “Như thế là lỏng lẻo và có khả năng bị lạm dụng”.

Nhiều ĐB khác có cùng quan điểm với ĐB Nguyễn Mạnh Cường. ĐB Nguyễn Hải Hưng (Hải Dương), Phó Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh nói rõ hơn: “Quy định cung cấp hồ sơ cho lực lượng cảnh sát cơ động về công trình, thiết bị có loại trừ các công trình của quân đội không? Tôi cho là phải loại trừ vì tính chất đặc biệt của các công tình quân sự. Thẩm quyền huy động phương tiện, thiết bị cũng nên nói rõ là thuộc về “chỉ huy cảnh sát cơ động”.

Bên cạnh đó, ĐB Hưng cũng đề nghị rà soát kỹ sự phù hợp với các đạo luật khác có liên quan như Luật Cảnh sát biển, Luật Biên phòng… để tránh chồng chéo về trách nhiệm. Đồng ý giao cho cảnh sát cơ động quyền “được ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ”, song ĐB Nguyễn Hải Hưng vẫn đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các trường hợp được thực hiện quyền này, đối chiếu với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Về việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, ĐB Nguyễn Đình Việt (Cao Bằng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị bỏ quy định tại điều 56, khoản a về xây dựng biểu mức tiền chi trả bản quyền trình Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch phê duyệt trước khi thực hiện vì không phù hợp với nguyên tắc kinh tế thị trường và “đẻ” thêm thủ tục hành chính.

Cũng về Luật Sở hữu trí tuệ, ĐB Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, tờ trình của Chính phủ đưa ra hai phương án về đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

Cân nhắc kỹ quyền huy động phương tiện, thiết bị của cảnh sát cơ động ảnh 1 ĐB Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo phương án 1, tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí (là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước) và có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký.

Phương án 2 là giữ nguyên quy định pháp luật hiện hành quyền đăng ký các đối tượng này thuộc về tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư.

Bà Mai Phương bày tỏ nhất trí phương án 1 về việc giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, theo đó tổ chức chủ trì có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ.

Tuy nhiên, với phương án này, điều quan trọng là phải làm rõ được "cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả" để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW; nghiên cứu mở rộng cơ chế giao quyền sở hữu tương tự đối với giống cây trồng, quyền tác giả và quyền liên quan; khắc phục sự không thống nhất giữa quy định về quyền đăng ký, sở hữu đối với kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước trong các luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tin cùng chuyên mục