Quốc hội Mỹ thông qua dự luật Kiểm soát ngân sách: Thị trường chứng khoán thế giới phản ứng tích cực

Sáng 2-1 (giờ Việt Nam), với 257 phiếu thuận, 167 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật Kiểm soát ngân sách nhằm tránh “vách đá tài chính” vốn đã được Thượng viện nước này thông qua trước đó. Thị trường chứng khoán thế giới đã phản ứng tích cực ngay sau quyết định của Hạ viện Mỹ được đưa ra bởi tạm thời ngăn chặn nguy cơ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật Kiểm soát ngân sách: Thị trường chứng khoán thế giới phản ứng tích cực

Sáng 2-1 (giờ Việt Nam), với 257 phiếu thuận, 167 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật Kiểm soát ngân sách nhằm tránh “vách đá tài chính” vốn đã được Thượng viện nước này thông qua trước đó. Thị trường chứng khoán thế giới đã phản ứng tích cực ngay sau quyết định của Hạ viện Mỹ được đưa ra bởi tạm thời ngăn chặn nguy cơ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái.

  • Đồng loạt tăng điểm

Tại Hồng Công, trong phiên giao dịch cuối ngày 2-1, chỉ số Hang Seng tăng 2,9%, mức tăng cao nhất kể từ 1-6-2011. Trong khi đó, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia tăng 1,2%, mức tăng mạnh nhất trong vòng 19 tháng qua. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng tăng 1,7%... Các thị trường chứng khoán châu Âu cũng chứng kiến các phiên tăng điểm khi FTSE 100 của Anh, DAX của Đức hay CAC-40 của Pháp đều lần lượt tăng 1,6%, 1,7% và 1,7% chỉ ít lâu sau phiên giao dịch mở cửa. Jackson Wong, Phó Chủ tịch của công ty chứng khoán Tanrich ở Hồng Công nói: “Các nhà đầu tư đã trút được gánh nặng khi Mỹ đạt được thỏa thuận về dự luật tránh vách đá tài chính. Họ đang rất lạc quan”.

Tổng thống Barack Obama thông báo kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện về dự luật Kiểm soát ngân sách.

Tổng thống Barack Obama thông báo kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện về dự luật Kiểm soát ngân sách.

Phát biểu ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hoan nghênh các nghị sĩ. Ông Obama cho biết sẽ sớm ký thành luật thỏa thuận này. Tổng thống Mỹ cũng kêu gọi các bên tiếp tục chung tay để vực dậy nền kinh tế Mỹ bởi thỏa thuận này “chỉ là một bước đi trong nỗ lực mạnh mẽ hơn để tăng sức mạnh cho nền kinh tế”. Hãng tin BBC cho biết các hạ nghị sĩ Mỹ đã phải chịu sức ép mạnh mẽ để thông qua thỏa thuận này trước khi các thị trường tài chính mở cửa trở lại vào ngày 2-1. Một số hạ nghị sĩ của phe Cộng hòa chưa thật sự hài lòng với bản thỏa thuận khi muốn sửa lại một số nội dung để thêm vào các biện pháp giảm chi nhưng cuối cùng phải từ bỏ ý định để kịp thông qua dự luật.

  • Trò chơi chính trị

Các chuyên gia phân tích chính trị của Mỹ cho rằng việc dự luật trên được thông qua vào phút chót bởi dự luật là con tin trong trò chơi lợi ích chính trị của phe Cộng hòa và phe Dân chủ. Phân cực chính trị làm cho các bên xa cách nhau.

Cách đây 20 hay 30 năm, Quốc hội và Tổng thống có nhiều thời gian để đạt thỏa hiệp dễ dàng về “bờ vực tài chính” vì hai đảng thường hợp tác với nhau. Tuy nhiên trong những năm gần đây, sự phân cực chính trị và tinh thần đảng phái ngày càng leo thang, khiến cho việc đạt thỏa hiệp khó khăn hơn. Ông Larry Sabato, chuyên gia thuộc trường đại học Virginia nhận định: “Điều này phản ánh sự phân cực sâu sắc tại Mỹ. Đây không phải tranh chấp cá nhân giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Hạ viện Boehner mà là việc cả hai ông đại diện cho hai triết lý khác biệt rõ ràng về điều hành chính phủ và rất khó thỏa hiệp về những nguyên tắc căn bản”.

Các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa dường như sợ rằng nếu thỏa hiệp nhiều quá họ sẽ bị các cử tri có lập trường bảo thủ bỏ rơi trong các cuộc bầu cử tương lai. Theo ông L.Sabato, đó là lý do chính giải thích tại sao nhiều nghị sĩ của đảng Cộng hòa luôn chống lại bất kỳ biện pháp tăng thuế nào. “Vì các cử tri của họ không muốn họ thỏa hiệp về thuế”, ông Sabato nói. Trong khi đó, một số nghi sĩ của đảng Dân chủ cũng không chịu thỏa hiệp khi họ thấy ngân sách bị cắt giảm quá mạnh, nhất là việc cắt giảm này liên quan đến những chương trình của chính phủ được cử tri ủng hộ mạnh mẽ như chương trình về lương hưu, an sinh xã hội hay những chương trình về chăm sóc y tế cho những người Mỹ lớn tuổi.

Cử tri Mỹ dường như cũng đã nhận ra mấu chốt của vấn đề. Cuộc thăm dò mới nhất do Reuters/Ipsos thực hiện cho thấy 27% cử tri đổ lỗi cho đảng Cộng hòa, 16% đổ lỗi cho Tổng thống, 6% cho là đảng Dân chủ phải chịu trách nhiệm về chuyện gây ra tình trạng bế tắc ngân sách. Tuy nhiên, tỷ lệ lớn nhất, 31% đổ lỗi cho tất cả các thành phần nêu trên.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục