Sáng 10-3, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp phiên họp thứ 5 góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp |
Đề cập đến một nội dung khá mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là quy định về “không gian sử dụng đất”, về “quyền sử dụng không gian ngầm và khoảng không”, Chuyên gia pháp lý Nguyễn Văn Đỉnh phân tích, dự thảo đã khắc phục được nhược điểm của Luật Đất đai hiện hành về vấn đề này (chưa có quy định về cho thuê phần không gian phía trên bề mặt của công trình công cộng; chưa có quy chế để trao quyền sử dụng khoảng không gian phía trên bề mặt công trình công cộng cho một chủ thể khác; khá cứng nhắc khi áp dụng nguyên tắc một thửa đất tại một thời điểm chỉ có một người khai thác, sử dụng…).
Tuy nhiên, dự thảo vẫn chưa trực tiếp sử dụng cụm từ “quyền bề mặt” nên chưa thực sự bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. “Quyền bề mặt” là khái niệm của Bộ luật Dân sự năm 2015 và được sử dụng phổ biến trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia. Nếu không quy định cụ thể trong Luật Đất đai sẽ không thể đưa khái niệm này vào thực tiễn cuộc sống.
Chuyên gia pháp lý Nguyễn Văn Đỉnh |
Về chế độ sử dụng đất kết hợp đa mục đích, ông Đỉnh ghi nhận việc cơ quan soạn thảo đã quy định khá rõ nét chế độ sử dụng đất kết hợp đa mục đích nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa những người sử dụng đất.
“Những đổi mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giúp sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, đặc biệt đất trồng lúa, giúp khắc phục tình trạng bỏ hoang đất hoặc sử dụng sai mục đích, góp phần cải thiện sinh kế người dân. Tuy nhiên, các quy định mới dừng lại ở những nguyên tắc chung, cần thiết phải được thể chế hóa đầy đủ trong Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi)”, chuyên gia này lưu ý.
Cụ thể, cần phải làm rõ được thế nào là đất sử dụng hỗn hợp/kết hợp nhưng “không làm thay đổi mục đích sử dụng đất chính”; làm rõ nguyên tắc “tuân thủ các pháp luật chuyên ngành” khi sử dụng đất hỗn hợp/kết hợp trong từng trường hợp cụ thể. Đồng thời cần phải làm rõ nguyên tắc “thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định” khi sử dụng đất hỗn hợp/kết hợp.
TS Nguyễn Quân, thành viên Hội đồng khoa học của UBTVQH, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN |
Trong khi đó, TS Nguyễn Quân, thành viên Hội đồng khoa học của UBTVQH, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN đề nghị cân nhắc điều chỉnh quy định về quyền góp vốn giá trị quyền sử dụng đất, vì đất đai là tài sản công đặc biệt, nếu đem tài sản công không có quyền sở hữu để góp vốn thì “không hợp lý, dẫn đến nhiều bất cập, nhất là vướng mắc trong vấn đề định giá đất do giá cả biến động, khó khăn trong việc bồi thường”.
“Giá trị sử dụng đất là tài sản công, nếu đem tài sản công này góp vốn, thì các tài sản công khác như máy móc, xe cộ… có thể đem góp vốn được không?”, ông Nguyễn Quân nêu vấn đề.
Về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, TS Nguyễn Quân cho biết, quy trình lập quy hoạch rất chặt chẽ, khoa học, tuy nhiên việc điều chỉnh quy hoạch lại thường diễn ra manh mún, "du kích". Vì vậy, luật cần quy định rõ, chỉ được điều chỉnh quy hoạch do nguyên nhân, mục đích an ninh quốc phòng, quốc gia công cộng, hoặc trong điều kiện bất khả kháng, không điều chỉnh quy hoạch một cách bừa bãi, cần quy định chặt chẽ trong việc điều chỉnh quy hoạch với sự xác nhận của cấp quy hoạch trên, đảm bảo hiệu quả công tác quy hoạch, phát huy mạnh mẽ tiềm lực của tài nguyên đất đai.