Quy định rõ trường hợp cảnh sát cơ động được huy động nhân lực, phương tiện dân sự

Cuối buổi sáng 26-5, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo dự án luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý thấu đáo, đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật Cảnh sát cơ động trình Quốc hội xem xét và thông qua vào cuối kỳ họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) trước đó, ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho rằng, quy định như dự thảo về yêu cầu cung cấp sơ đồ, thiết kế công trình và vào chỗ ở của cơ quan, cá nhân là chưa đầy đủ. Cụ thể, dự thảo yêu cầu loại trừ trường hợp vào các trụ sở, công trình do Bộ Quốc phòng quản lý; các trường hợp khác thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố.

Quy định rõ trường hợp cảnh sát cơ động được huy động nhân lực, phương tiện dân sự ảnh 1 ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre). Ảnh: QUANG PHÚC 

ĐB Yến Nhi phân tích: “Lực lượng CSCĐ có rất nhiều nhiệm vụ, ngoài nhiệm vụ chống bạo loạn, chống khủng bố còn có tấn công, ngăn chặn đối tượng có hành vi bắt cóc con tin… Như vậy, ngoài nhiệm vụ chống khủng bố, còn có nhiều nhiệm vụ khác mà CSCĐ phải vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân mới có thể thực hiện được nhiệm vụ của mình. Nếu chỉ quy định trường hợp chống khủng bố và áp dụng theo quy định của Luật Phòng, chống khủng bố thì chưa đầy đủ”.

ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng, thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự, quy định như dự thảo luật là quá rộng. Việc huy động ở đây là con người, là phương tiện, thiết bị dân sự, là tài sản của nhân dân, có những tài sản giá trị lớn, rủi ro bị thiệt hại khi huy động là có. Cho nên nếu xảy ra trường hợp lạm dụng quyền huy động vì mục đích cá nhân thì việc xử lý hệ lụy sẽ rất phức tạp.

Theo ĐB, cần cân nhắc thêm nên quy định chỉ những trường hợp đặc biệt, thật sự cần thiết mới là phạm vi để CSCĐ có thể huy động và giới hạn người có thẩm quyền huy động khi thực hiện nhiệm vụ độc lập phải là những người phục vụ lâu dài trong lực lượng hoặc giữ cấp bậc, chức vụ nhất định.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn TP Hà Nội) cũng nhấn mạnh, đây là nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và quyền tài sản, nên cần có quy định chặt chẽ, văn bản hướng dẫn dưới luật quy định thế nào là “trường hợp cấp bách” để tránh sự lạm quyền của người thi hành công vụ.

Còn ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) lưu ý, dự thảo Luật cần phải quy định rõ việc CSCĐ vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để làm gì thì mới phải tuân thủ thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố.

Cũng liên quan đến nội dung này, ĐB Quản Minh Cường (Đồng Nai) nêu vấn đề: “Trong trường hợp cứu hộ, cứu nạn một ngôi nhà cháy; mấy chục nạn nhân ở bên trong, CSCĐ đến nhanh rồi, lại phải chờ lực lượng nào nữa? Lúc đấy thậm chí còn phải phá cửa luôn, không cung cấp sơ đồ thì CSCĐ làm sao cứu được mấy chục con người”?

Liên quan đến quy định về thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị, phản hồi một số ý kiến cho rằng hoạt động tuần tra, kiểm soát là hoạt động thường xuyên không mang tính cấp bách, nên quy định quyền huy động trong trường hợp này là không phù hợp; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới thông tin, quy định về thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự là nhằm bảo đảm các điều kiện để CSCĐ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong các trường hợp cấp bách. Với nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, khi duy trì hoạt động bình thường theo phương án, kế hoạch thì CSCĐ không được huy động người, phương tiện, thiết bị.

Tuy nhiên, ông Lê Tấn Tới nêu rõ, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, nếu phát hiện trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng đe dọa đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý, trấn áp kịp thời mà lực lượng tuần tra, kiểm soát không đủ điều kiện xử lý hiệu quả thì được phép huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ.

Về vấn đề này, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) góp ý, trường hợp người, phương tiện, thiết bị được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách, đền bù “theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản”.

Quy định trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, máy bay, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho CSCĐ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này cũng là một nội dung nhiều ĐBQH quan tâm.

Quy định rõ trường hợp cảnh sát cơ động được huy động nhân lực, phương tiện dân sự ảnh 2 ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng). Ảnh: QUANG  PHÚC

ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị quy định ngay trong dự thảo luật là CSCĐ được trang bị máy bay ở mức độ nào, loại máy bay nào, để sau này trong quá trình tổ chức thực hiện tránh trường hợp chồng lấn các phương tiện bay khác.

Theo ông Hoàng Đức Thắng, cần phải xây dựng khung khổ pháp luật để xác định những nguyên tắc cơ bản cho việc trang bị phương tiện máy bay cho cảnh sát cơ động.

“Cần bảo đảm rằng máy bay trang bị cho CSCĐ đảm bảo phục vụ đúng cho mục đích, hoạt động có tính nghiệp vụ riêng biệt của CSCĐ, được sử dụng một cách có hiệu quả, tránh những lãng phí, không làm phát sinh sự chồng chéo, xung đột với các phương tiện bay khác, trong đó có máy bay của các lực lượng được pháp luật quy định cho phép trang bị”, ông nói. Đặc biệt, việc quản lý không gian bay cần bảo đảm sự thống nhất giữa yêu cầu hoạt động bay của CSCĐ với hoạt động kiểm soát, chỉ huy thống nhất bảo vệ vùng trời Tổ quốc của lực lượng phòng không, không quân thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục