(SGGP).- Sáng 3-8, ngày thứ 3 Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan có hiệu lực, tại Hà Nội, Thường trực Chính phủ đã nghe 3 liên danh tư vấn nước ngoài đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hà Lan, Hàn Quốc báo cáo ý tưởng nghiên cứu quy hoạch xây dựng thủ đô Hà Nội (mới). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng; các Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Trương Vĩnh Trọng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh; Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân; Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, cùng nhiều vị lãnh đạo các cơ quan Trung ương, Hà Nội, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Viện Quản lý kiến trúc, Cục Phát triển đô thị và các chuyên gia tư vấn, thiết kế quy hoạch Bộ Xây dựng cùng dự họp.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội đồng tuyển nhà thầu tư vấn nước ngoài lập quy hoạch xây dựng TP Hà Nội (mới) báo cáo: Ngày 15-4-2008, Bộ Xây dựng gửi thư mời và điều khoản tham chiếu đến 21 nhà thầu tư vấn của Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Đức, Australia, Nhật Bản, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore. Ngày 2-6-2008 có 12 nhà thầu nộp hồ sơ và thư quan tâm hợp lệ. Ngày 13-6-2008, Bộ Xây dựng gửi thư mời 12 nhà thầu tư vấn đến dự lễ công bố hồ sơ quan tâm.
Căn cứ vào năng lực kinh nghiệm chuyên môn, năng lực tổ chức thực hiện, chất lượng chuyên gia, phương pháp tiếp cận, ý tưởng độc đáo, giải pháp có tính khả thi, qua 6 phiên họp, Hội đồng tuyển chọn đã lựa chọn 3 nhà thầu tư vấn đạt tiêu chuẩn vào danh sách trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Đó là: Công ty Arata Isozaki kết hợp với Metropolitan Architecture (Nhật Bản-Hà Lan), Công ty Posco E&C liên danh với Công ty Jina Architect, Perkins Eeastman (Hàn Quốc-Hoa Kỳ), Công ty RTKL (Hoa Kỳ).
Cũng tại cuộc họp, 3 nhà thầu trên đã báo cáo về thông tin nhà thầu, các công trình đã thực hiện trên thế giới và ở Việt Nam, đặc biệt là đề xuất ý tưởng về triển khai quy hoạch thủ đô Hà Nội mở rộng. Công ty Arata Isozaki kết hợp với Metropolitan Architecture đã đề xuất ý tưởng từ thành phố thủ đô đến thành phố lớn đa cực và mô hình phát triển bền vững.
Theo nhà thầu thì mô hình phát triển Hà Nội (mới) là tối ưu với mối liên kết của 3 hệ thống giao thông: giao thông, thông tin liên lạc và các tuyến đường chính (đồng thời là hành lang kinh tế kỹ thuật sẽ tạo ra một thành phố hiện đại của thế kỷ 21). Công ty Posco E&C liên danh với Công ty JINA Architect; Perkins Eeastman nhấn mạnh Hà Nội (mới) cần có hành lang xanh với mật độ 60%, đất xây dựng đô thị nằm xen kẽ hành lang xanh và được phân bố tương đối đều phụ thuộc vào tăng trưởng của từng thời kỳ cụ thể, đến năm 2030, Hà Nội (mới) sẽ là thủ đô phát triển bền vững vào bậc nhất thế giới.
Công ty RTKL đề xuất ý tưởng xây dựng mô hình thành phố bền vững: Mô hình phát triển tổng hợp, trong đó có sự kết hợp giữa các chức năng quản lý nhà nước với các yếu tố văn hóa xã hội, phát triển hạ tầng giao thông, phát triển đất giúp thành phố trở nên năng động và mạnh mẽ. Theo công ty này thì sẽ xây dựng trong lòng thủ đô Hà Nội 5 thành phố vệ tinh là các thành phố xung quanh sân bay, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật, hành chính, du lịch nghỉ dưỡng, y tế và chăm sóc sức khỏe…
Dựa trên hiện trạng Hà Nội (mới), 3 nhà tư vấn đã đưa ra 3 ý tưởng độc đáo nhưng đều chung một mục tiêu là quy hoạch xây dựng một thủ đô văn minh, hiện đại và bền vững.
Thứ trưởng Xây dựng Trần Ngọc Chính cho biết thêm, trên cơ sở phân tích, tư vấn của Hội đồng tuyển chọn, thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo và quyết định cho phép thương thảo, ký hợp đồng với nhà thầu nào đạt kết quả tốt nhất; sau đó nhà thầu nộp bảo lãnh, ký kết hợp đồng triển khai thực hiện.
L.NGUYÊN - TTX