Chợ ở TPHCM

Quy hoạch… ngược: nơi thừa, nơi thiếu

Quy hoạch… ngược: nơi thừa, nơi thiếu

Thông thường, việc xây dựng một ngôi chợ luôn gắn liền với quy hoạch phát triển tổng thể của một khu dân cư. Nhưng tại TPHCM có rất nhiều ngôi chợ đang nằm ngoài quy luật này và vì thế đã rơi vào vào tình trạng dở sống, dở chết….

  • Quy hoạch ngược?

Năm 1981, chợ An Lạc được đưa vào sử dụng. Vào thời điểm này, chợ An Lạc không chỉ là nơi bán sỉ thịt heo mà còn là đầu mối cung cấp gạo cho người dân TPHCM. Đây cũng là thời gian chợ hoạt động hưng thịnh nhất. Đến năm 1991, các ban ngành chức năng của huyện Bình Chánh tổ chức quy hoạch lại khu dân cư. Toàn bộ mặt tiền và bên hông chợ đã bị 3 dãy nhà liên kế, cao tầng (với khoảng 40 căn hộ) án ngữ. Lối vào chợ chỉ còn lại 1 con đường cặp bên hông và 2 con hẻm nhỏ. Chợ nằm lọt thỏm giữa khu dân cư - vì thế chợ An Lạc có bảng hiệu, có cổng to đùng nhưng tìm mãi vẫn không thấy chợ.

Quy hoạch… ngược: nơi thừa, nơi thiếu ảnh 1

Chợ An Lạc nằm lọt giữa khu nhà dân.

Bà Lê Thị Tố Nữ, Trưởng BQL chợ An Lạc, nói: “Tôi không thể hiểu nổi, bề mặt của chợ đang thông thoáng thì đùng một cái mấy dãy nhà mọc lên. Chính sự quy hoạch ngược - có chợ mới xây nhà - đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến công năng của chợ. Từ nhiều năm qua, công tác quản lý chợ luôn gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể, tại khu chợ bán sỉ, nhiều hộ dân cư cũng bán thịt heo, xả nước thải thẳng ra mặt đường rất dơ bẩn, trong khi BQL chợ luôn bị phê bình vì quản lý không tốt. Đó là chưa kể còn nhiều phiền toái từ phía khu dân cư làm ảnh hưởng chung đến mỹ quan, an ninh trật tự mà BQL không có quyền can thiệp…”.

Cùng số phận với chợ An Lạc, chợ Tân Sơn Nhất cũng được xây dựng mới vào năm 1990. Dự kiến ban đầu là chợ đầu mối, nhưng sau 15 năm hoạt động chợ Tân Sơn Nhất vẫn chỉ là chợ bán lẻ. Hướng phát triển của chợ hầu như không có, sức mua ngày càng giảm sút. Số liệu từ Sở Thương mại TPHCM, cho thấy doanh thu bình quân tại chợ Tân Sơn Nhất chỉ đạt khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Theo các chuyên gia, sở dĩ không phát huy công năng là vì chợ Tân Sơn Nhất được xây dựng trước rồi khu dân cư Tân Sơn Nhất mới được hình thành, vô hiệu hóa gần như hoàn toàn ngôi chợ. Chợ bị nằm lọt thỏm trong những dãy nhà cao tầng, thấp hơn mặt đường Nguyễn Kiệm và những con đường xung quanh. Mùa mưa đến, chỉ cần một cơn mưa nhẹ hạt thì chợ đã biến thành…ao!

  • Nơi thừa, nơi thiếu

Bên cạnh đó, việc xây dựng chợ còn mất cân đối nghiêm trọng, nơi thừa, nơi thiếu. Chẳng hạn, tại quận 6, nơi có khoảng 10 chợ thì riêng 2 phường 10 và 11 đã có tới 4 chợ: Bình Phú, An Dương Vương, Hồ Trọng Quý và 1 chợ phường. Do được bố trí dày đặc nên 2 chợ được xây dựng mới hoàn toàn là An Dương Vương và Bình Phú không phát huy tác dụng, xây xong chỉ để ngắm.

Quận Bình Thạnh, tuy có diện tích rộng và mật độ dân cư cao nhưng lại thiếu những ngôi chợ tầm cỡ. Ngoài chợ Văn Thánh (gần như không hoạt động trong khu vực nhà lồng) thì quận chỉ còn có 1 chợ là Bà Chiểu có quy mô tương đối lớn. Nhưng đáng tiếc là chợ này lại nằm gần quận 1 và quận Phú Nhuận. Người dân ở Bình Thạnh muốn đến mua sắm cũng phải tốn khá nhiều thời gian và công sức. Điều này cũng có thể lý giải tại sao việc di dời giải tỏa chợ tự phát, chợ lề đường tỏ ra kém hiệu quả.

  • Xây dựng chợ không đúng thiết kế

Ông Trần Hữu Việt, Trưởng BQL chợ Bình Tiên, cho biết sau khi được điều chuyển từ BQL chợ Phú Lâm về BQL chợ Bình Tiên, ông hoàn toàn bất ngờ vì thực tế xây dựng chợ khác hẳn bản vẽ thiết kế. Chẳng hạn công trình cấp thoát nước thải không có hệ thống thoát nước nhưng lại có hố ga, nhà vệ sinh không có hầm chứa. Vì vậy, chỉ sau một thời gian hoạt động, chợ đã bị xuống cấp. Mới đây, quận 6 đã bỏ ra 3,5 tỷ đồng để xây dựng lại.

Tại chợ Bình Tây - một trong những ngôi chợ lớn nhất của TPHCM - cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1992, chợ được sửa chữa mới với kinh phí lên tới 22 tỷ đồng. Theo Phòng kinh tế quận 6, với số tiền này, đáng lý chủ đầu tư phải thay toàn bộ hệ thống mái mới, nhưng họ đã không thực hiện đúng hợp đồng. Hầu hết phần mái cũ đã được sử dụng lại, khiến chợ vừa được đại tu đã bị thấm, dột.

THÚY HẢI 

Tin cùng chuyên mục