Người sáng lập trang web Wikipedia Jimmy Wales đã cảnh báo rằng thế giới có thể ngăn chặn hàng ngàn trường hợp tử vong tại các nền kinh tế mới nổi nếu tập trung cải thiện quyền tiếp cận thông tin y tế của người dân. Trên tờ The Independent, ông Wales lấy ví dụ dịch bệnh Ebola bùng phát ở châu Phi là một bằng chứng cho thấy tiếp cận thông tin y tế có thể giúp hạn chế tử vong. Đó cũng là nguyên nhân chính để Wales thành lập dự án của Wikipedia mang tên Wiki y học, trong đó vận động hành lang các nhà mạng di động ở các nước đang phát triển để cung cấp bách khoa toàn thư trực tuyến miễn phí về thông tin y tế. Wiki y học được triển khai từ năm 2012 đến nay đã được nhiều nước hồ hởi tiếp nhận thông qua các nhà khai thác điện thoại di động, nhất là tại hai nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ.
Truy cập thông tin y tế là nhu cầu không thể thiếu với người dân châu Phi trong bối cảnh dịch Ebola hoành hành.
Tuy nhiên, dù chúng ta đang sống trong một thời đại mà chưa bao giờ việc tiếp cận thông tin dễ dàng hơn hiện nay, chỉ với một cú click chuột hay dùng tay chạm nhẹ màn hình các thiết bị kết nối internet, ngay lập tức có thể lấy hàng chục ngàn bài viết về y tế. Nhưng thực sự đa số đều viết bằng tiếng Anh hay các ngôn ngữ phương Tây khác, còn hàng ngàn ngôn ngữ khác thì hầu như không có. Tình trạng chung hiện nay là số người trên thế giới có thể truy cập internet tăng nhanh nhưng việc toàn cầu hóa nội dung cho nhiều loại ngôn ngữ không theo kịp. Điều quan trọng là giữa cơn dịch Ebola bùng phát ở châu Phi, Wikipedia và nhiều tổ chức nhân đạo luôn gặp khó khăn khi tiếp nhận được thông tin từ các khu vực bị ảnh hưởng do bất đồng ngôn ngữ. Từ đó, các đội ngũ chuyên môn và biên dịch của Wikipedia đã làm việc để đảm bảo rằng người dân địa phương được tiếp cận thông tin chính xác nhất. Nếu sử dụng phần mềm dịch tự động thông tin y tế trên Google Translate có thể gây ra rất nhiều rắc rối, thậm chí nguy hiểm. Hơn nữa, ở châu Phi, Google Translate chỉ hỗ trợ 6 ngôn ngữ châu Phi.
Vì lẽ đó, ra đời dự án mang tên “Dịch giả không biên giới”, là đối tác với Wikipedia chuyên về việc dịch các bài báo mảng y tế từ tiếng Anh sang nhiều ngôn ngữ bản địa. Dự án này bao gồm các dịch giả, tổ chức, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách. Đây là mục tiêu đặc biệt quan trọng ở những nước có rất ít nhân viên y tế và là nước nông nghiệp. Ví dụ, tại Nam Phi, người dân có thể nhận được lời khuyên về việc làm thế nào để ngăn chặn và nhận ra các triệu chứng của bệnh Ebola trên Wikipedia.org bằng cách tìm kiếm từ khóa “Ebola”. Wikipedia có đội đặc trách biên dịch y tế mang tên Task Force Wiki tại châu Phi với các tình nguyện viên có chuyên môn sâu, sẵn sàng cập nhật kịp thời tất cả những thông tin cần thiết về Ebola bằng nhiều ngôn ngữ, kể cả những ngôn ngữ thuộc loại hiếm ở châu lục này.
Báo The Guardian dự báo, trong 5 năm tới, châu Phi sẽ dẫn đầu thế giới trong việc trở thành “lục địa di động”, với việc truy cập internet thông qua điện thoại tăng gấp 20 lần so với hiện nay. Khi đó, vai trò của thông tin y tế trên internet càng trở nên quan trọng hơn nhiều.
KHÁNH MINH