
Nửa tháng qua, Bến Tre trở thành điểm nóng của dịch cúm gia cầm ở ĐBSCL. Dịch cúm gia cầm đã bùng phát mạnh trên đàn vịt. Tính đến ngày 6-3, trên địa bàn Bến Tre đã có 141 điểm phát dịch tại 35 xã, phường thuộc 6 huyện, thị. Tổng số gia cầm chết và tiêu hủy trên 200.000 con. Điều đáng quan ngại là hiện nay dịch cúm gia cầm đang lan rộng trên đàn vịt tại 7 xã của huyện Ba Tri.
- Đi giữa vùng dịch
Bến Tre đêm 4-3 trời bỗng đổ mưa. Mưa làm mát mẻ cây lá sau nhiều ngày nắng nóng nhưng không thể xua đi không khí ngột ngạt, buồn rượi ở những vùng dịch cúm gia cầm đang hoành hành như tại huyện biển Ba Tri. Tại văn phòng UBND huyện Ba Tri, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Thới cho biết: “7 xã đó là xã Mỹ Thạnh, Mỹ Chánh, Mỹ Hòa, An Phú Trung, An Ngãi Trung, An Ngãi Tây và An Hiệp.

Đếm vịt bị thiêu hủy để hỗ trợ tiền thiệt hại.
Đặc biệt 3 xã Mỹ Thạnh, Mỹ Chánh, Mỹ Hòa bị nặng nhất. Để khống chế dịch bệnh lây lan, ngày 3-3, UBND tỉnh đã chỉ thị cho 3 xã trên hủy toàn bộ đàn gia cầm thịt, cô lập đàn gia cầm và phun xịt khử trùng 100%”.
Chiều ngày 5-3, chúng tôi có mặt tại vùng dịch xã Mỹ Thạnh. Hôm đó thứ bảy, là ngày nghỉ, nhưng thấy hầu hết các cán bộ, nhân viên của UBND xã Mỹ Thạnh đều túc trực. Chốc chốc lại có tiếng điện thoại reo vang ở văn phòng UBND xã. Những cú điện thoại trên là tin báo nhanh của các ấp đang tiến hành tiêu hủy đàn vịt thịt đang nhiễm bệnh.
Chủ tịch xã Mỹ Thạnh Mai Văn Sơn, trán rịn mồ hôi, tay bấm máy điện thoại di động, anh hoạt động như con thoi vì đang theo dõi các điểm đang tiêu hủy gia cầm. Chủ tịch xã Mai Văn Sơn trao cho chúng tôi bộ đồ phòng chống virus cúm gia cầm rồi nói: “Chúng ta cùng đi đến ấp Mỹ Lợi. Đến gần điểm tiêu hủy thì các anh phải mặc đồ bảo hộ vào cho… đúng bài bản nghen”.
Chúng tôi phóng nhanh lên xe ra ấp Mỹ Lợi. Trên xe, Chủ tịch Sơn tỏ ra lo lắng: “Vừa mệt cầm canh vừa căng thẳng đầu óc quá trớn mấy anh ơi! Biết sao hôn? Đến chiều nay, 5-3, chúng tôi quyết tâm phải tiêu hủy hết đàn vịt thịt tại xã nhà với trên 20.000 con.
Vì lẽ nguồn lây lan dịch bệnh cúm cho đàn vịt tại Mỹ Thạnh, Mỹ Chánh, Mỹ Hòa có thể từ nhiều nguồn, nhưng theo cơ quan thú y và hầu hết người tại địa phương, dịch cúm lần này lan rộng là do nguồn nước trên các con kênh chủ yếu chảy vào đây đã bị ô nhiễm nặng. Dịch cúm gia cầm mà bị nhiễm từ nguồn nước kênh thì thật đáng lo. Vùng này thuộc vùng cuối nguồn, nước sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt… đều trông cậy từ các con kênh. Vậy mà!”.
Tại một điểm đang tiến hành tiêu hủy đàn vịt thịt của anh Võ Văn Năm ở ấp Mỹ Lợi, gần kênh Năm Vồ, bà con nông dân xúm lại mỗi lúc thêm đông. Anh Võ Văn Năm chỉ tay về hướng đàn vịt 500 con của anh, do chính anh tự giác tiêu hủy, giọng buồn buồn: “Ở bên trong đàn vịt của tôi có nhiễm bệnh hay không, tôi không biết, chớ hiện nó vẫn… chạy đồng khỏe re. Tuy nhiên, là công dân thì tôi phải chấp hành lệnh của địa phương dù biết rồi chỉ được hỗ trợ tiền thiệt hại là 5.000 đồng/con”.
- Những con kênh ô nhiễm...
Nhìn trên bản đồ hành chính tỉnh Bến Tre, xã Bình Thành thuộc huyện Giồng Trôm nằm giáp ranh với liên xã An Phú Trung, Mỹ Thạnh, Mỹ Chánh và một phần xã Mỹ Hòa của huyện Ba Tri. Từ trước Tết Ất Dậu, dịch cúm gia cầm đã bùng phát mạnh tại Bình Thành nhưng lúc này chỉ xảy ra rải rác trên địa bàn huyện Ba Tri.
Anh Lê Văn U, quê gốc ấp 2, xã An Phú Trung cho biết: “Bắt đầu từ ngày 6-2, người ta phát hiện rất nhiều bịch ny lông đựng xác vịt chết trôi lều bều trên kênh Tự Chảy ngang qua địa bàn xã An Phú Trung, rồi trôi xuống kênh Năm Vồ và Kênh 9 A thuộc Mỹ Thạnh, Mỹ Chánh, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc! Đi ruộng gần kênh là phải bịt mũi, bịt miệng, chạy nhanh mà nó vẫn… thối!”.
Bà Nguyễn Thị Léo ở gần kênh Năm Vồ la trời trước chúng tôi: “Làm ăn kiểu đó (thải vịt chết, vịt nhiễm bệnh xuống kênh), chết người ta. Nước sạch còn nữa đâu để xài. Đó là chưa nói đến thứ này (nguồn nước bị nhiễm) làm lây lan dịch bệnh trên đàn vịt rất nhanh!”.
Chủ tịch xã Mai Văn Sơn báo rõ: “Khi phát hiện xác vịt chết trôi trên các con kênh thuộc địa bàn Mỹ Thạnh, xã khẩn trương tổ chức các đội dùng ghe xuồng đi vớt xác vịt và tiêu hủy ngay. Đến ngày 22-2, riêng xã Mỹ Thạnh vớt tất cả là 430 bọc, mỗi bọc đựng từ 5-7 con cho đến vài chục con vịt lớn nhỏ đã chết, cộng hết thảy khoảng 2.300 con…”.
Anh Cao Tấn Xí, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thạnh thổ lộ: “Anh em đi trục vớt mỗi ngày xã bồi dưỡng cho 50.000 đồng. Thực ra, gấp mấy lần số tiền đó nữa cũng chưa chắc ai chịu làm vì công việc này hết sức căng, lo sợ đủ thứ. Khi chúng tôi đi vớt xác vịt chết bị nhiễm bệnh thì suốt ngày gần như không ai dám ăn uống thứ gì cho đến khi xong xuôi hết công việc, sát trùng thật kỹ đôi tay! Nhưng vì việc chung, vì môi trường cho cộng đồng nên anh em hăng hái ra quân và làm với nhiệt tình cao độ”.
Có mặt tại xã An Phú Trung, chúng tôi lại thoáng nghe chuyện có người cho rằng xác vịt bị nhiễm bệnh chết rồi trôi xuống An Phú Trung, Mỹ Thạnh, Mỹ Chánh để rồi dịch cúm gia cầm lan mạnh đến Mỹ Hòa. Dịch cúm đã lan nhanh trên đàn vịt ở đây cũng từ sự thiếu tuyên truyền, quản lý lỏng lẻo của địa phương và nhất là người chăn nuôi kém ý thức phòng bệnh đã làm cho dịch cứ âm ỉ.
Quan ngại không kém đó là nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân tại đây. Vài ngày trước khi tôi đến Mỹ Thạnh, nhà máy nước sinh hoạt nông thôn Mỹ Thạnh (20 khối nước/giờ) phải ngưng hoạt động 3 ngày liền vì nhà máy nước này lấy nước từ kênh 9A. Không có nước xài, người dân gặp hết sức khó khăn trong sinh hoạt đời sống. Hiện nay, nhà máy nước đã hoạt động lại nhưng hồ lắng phải qua xử lý khử trùng.
- Khẩn trương khống chế vùng dịch
Ngày 2-3, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Tấn Khổng đã đến kiểm tra tình hình lây lan dịch cúm gia cầm tại Ba Tri. Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhận xét: Tình hình dịch cúm gia cầm cả nước hiện nay các tỉnh ngăn chặn tốt. Riêng ở Bến Tre, tuy dịch phát sinh sau nhưng lại kéo dài và hiện ổ dịch chính của tỉnh nằm tại Ba Tri.
Dù thời gian qua địa phương có làm công tác tuyên truyền nhưng chưa sâu rộng trong dân, ý thức, hiểu biết về dịch bệnh và sự lây lan còn kém. Sự phối hợp phòng chống dịch cúm chưa chặt. Chế độ trực, giao ban, nắm tình hình, kiểm soát chưa chắc chắn, cần được khắc phục ngay…
Tại các xã phải tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm thịt, cần khuyến khích, có hình thức khen thưởng những hộ đăng ký tự nguyện tiêu hủy trước và có hình thức xử lý hành chính những hộ cố tình né tránh để ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe nhân dân. Còn trước đó, ngày 25-2, UBND tỉnh Bến Tre cũng đã có chỉ thị tạm đình chỉ mua bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm trên toàn địa bàn tỉnh Bến Tre cho đến ngày 31-3.
Sáng 6-3, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri Nguyễn Văn Thới cho biết trong 7 xã có dịch của huyện đã tiêu hủy 51.500 con/200.000 của đàn gia cầm. Riêng tại Mỹ Thạnh, Mỹ Chánh, Mỹ Hòa, 3 xã phải tiêu hủy 100% đàn vịt thịt. Các xã có dịch còn lại cũng đang khẩn trương và tiêu hủy cả trứng gia cầm các loại…
PHAN LỮ HOÀNG HÀ