Quyết tâm đẩy mạnh Chính phủ điện tử

Chiều 20-10, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức họp báo về Nghị quyết của Chính phủ mới ban hành về Chính phủ điện tử.

(SGGPO). – Chiều 20-10, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức họp báo về Nghị quyết của Chính phủ mới ban hành về Chính phủ điện tử.

Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm VPCP, đây là lần đầu tiên Chính phủ có nghị quyết về Chính phủ điện tử. Mục tiêu là 100% dịch vụ công được cung cấp qua mạng điện tử; thiết lập cổng dịch vụ công quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng, liên thông văn bản từ cấp trung ương đến cấp xã.

Về tình hình triển khai kết nối, liên thông thử nghiệm hệ thống quản lý văn bản van công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên cổng thông tin điện tử Chính phủ, ông Lê Mạnh Hà cho biết, vừa qua Cổng đã  phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM và các đơn vị liên quan thử nghiệm kết nối, liên thông hệ thống quản lý văn bản giả lập của VPCP với hệ thống của TPHCM và một số tỉnh thành qua trục liên thông thử nghiệm. Việc kết nối, liên thông này nhằm liên thông gửi, nhận văn bản giữa các bộ ngành, địa phương với Chính phủ, VPCP và ngược lại; liên thông phản hồi tình trạng xử lý văn bản chỉ đạo điều hành từ Chính phủ đến các cấp hành chính của bộ ngành, địa phương và ngược lại; liên thông gửi nhận văn bản điện tử giữa các bộ ngành, địa phương với nhau.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, việc liên thông văn bản điện tử thông suốt từ trung ương đến địa phương các cấp. Đó là cơ sở, nền tảng để triển khai kết nối, liên thông các hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và chính quyền các cấp, hình thành Chính phủ điện tử kết nối thông suốt 4 cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Từ kết quả đó, Cổng thông tin điện tử Chính phủ  đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM triển khai kết nối, liên thông thử nghiệm giữa VPCP với 23 tỉnh thành và 3 bộ ( Y tế, Kế hoạch-đầu tư, Thông tin-truyền thông) giai đoạn 1. Tiếp đó, mở rộng ra với các địa phương, bộ ngành khác. Đã thống nhất kế hoạch liên thông, kết nối với 27 bộ ngành, 40 tỉnh thành.  Hiện đã cấu hình kết nối trên trục liên thông thử nghiệm cho 38 tỉnh thành..

“Tính đến ngày 19-10 đã có 27 địa phương, 3 bộ thực hiện kết nối, liên thông thử nghiệm phần mềm quản lý văn bản với hệ thống giả lập của VPCP. Trong đó đã có 1 bộ và 19 tỉnh thành liên thông nhận gửi văn bản và phản hồi trạng thái xử lý”, ông Hà cho biết.

Theo ông Lê Mạnh Hà, Chính phủ rất quyết tâm thực hiện Chính phủ điện tử. Nếu thực hiện hiệu quả, sẽ tiết kiệm hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm cũng như công sức, thời gian của người dân, doanh nghiệp, bộ máy hành chính. Thực hiện Chính phủ điện tử, sẽ có nhiều tiện ích. Đơn cử TP Hà Nội và TPHCM có thể xây dựng hệ thống tín hiệu điều khiển giao thông; các bộ ngành có thể liên thông văn bản điện tử, tích hợp các dịch vụ công, đăng ký kinh doanh, quản lý đất đai và xây dựng, bảo hiểm y tế, visa; cấp các loại thẻ, giấy phép...

 Để thực hiện thành công Chính phủ điện tử, ông Hà cho hay cần có phần mềm, kinh phí, nhân lực và quan trọng hơn là sự sẵn sàng của công chức, người dân để khai thác tiện ích của dịch vụ công trực tuyến mà mô hình Chính phủ điện tử mang lại.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục