Rà soát cắt giảm những thủ tục hành chính không hiệu quả

Sáng 16-10, tại TPHCM, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác) họp phiên thứ hai, trực tuyến với các địa phương chuyên đề đánh giá về tình hình và kết quả triển khai giải pháp đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương.

Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì. Dự họp tại TPHCM có đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhìn nhận công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tại TPHCM còn một số tồn tại, hạn chế. Bên cạnh nguyên nhân do TPHCM có khối lượng hồ sơ lớn, còn có nguyên nhân chủ quan là kỷ cương, kỷ luật hành chính, sự tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của người đứng đầu các cơ quan hành chính.

Bên cạnh đó, còn một số vấn đề cần được bộ, ngành xem xét, như tổng số hồ sơ giải quyết và số liệu cập nhật lên Cổng dịch vụ công trực tuyến chưa đồng bộ với số liệu của TPHCM. Ngoài ra, có nhiều TTHC 3 năm qua không phát sinh hồ sơ.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, TPHCM đã ban hành kế hoạch cải cách TTHC đến cuối năm 2023, trong đó xác định 32 nhiệm vụ với các mốc thời gian cụ thể, phấn đấu đến cuối năm cơ bản hoàn thành nhiệm vụ cải cách TTHC mà Chính phủ chỉ đạo.

Cùng với đó, TPHCM sẽ ban hành chỉ thị để giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp, giải quyết trong nội bộ sở, ngành, địa phương. Ngoài ra, hoàn thiện triển khai và phát huy Tổ công tác của TP để tiếp tục theo dõi, rà soát, đôn đốc, bảo đảm trong năm 2023 thực hiện cơ bản các nhiệm vụ. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kiến nghị Chính phủ cần tháo gỡ điểm nghẽn về kết nối, chia sẻ dữ liệu; rà soát, cắt giảm TTHC không phát sinh trong 3 năm qua.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhận xét công tác cải cách hành chính thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu. Dù kết quả chưa như mong muốn nhưng cũng đáng khích lệ để các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cố gắng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, một số địa phương có nhiều mô hình, cách làm hay, Phó Thủ tướng yêu cầu cần nhân rộng các mô hình, cách làm này.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nhận xét còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Đó là cơ sở dữ liệu còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa kết nối liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương; công tác phối hợp chưa tốt, chất lượng dịch vụ chưa cao; sự tham gia của doanh nghiệp, người dân còn hạn chế…

Từ đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra. Trong đó, từng cấp, từng ngành phải xem công tác cải cách TTHC là việc quan trọng, bởi đây là xu thế của thế giới.

Đồng thời, phát huy vai trò của người đứng đầu; rà soát những quy trình cũ, xây dựng quy trình mới phải thật sự minh bạch, tránh phát sinh các thủ tục. Đặc biệt, phải có sự sòng phẳng giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp; tăng cường phối hợp, xác định rõ việc của từng bộ ngành, địa phương để đơn vị đó phải chịu trách nhiệm, không để nhiều cơ quan cùng phụ trách một nội dung công việc cụ thể.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bên cạnh đó, phải đồng bộ về hệ thống, kết nối liên thông và chia sẻ dữ liệu; mỗi bộ, ngành, địa phương phải có sự linh hoạt, đặc biệt là xếp thứ tự ưu tiên để thực hiện.

Đồng ý với đề nghị cắt giảm các thủ tục không phát sinh thủ tục hồ sơ trong vòng 3 năm, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát những thủ tục nào không hiệu quả để cắt giảm, tập trung thực hiện các nội dung khác. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát, quan tâm thúc đẩy thực hiện Đề án 06; lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

Tin cùng chuyên mục