Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, đến nay Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương và Bộ NN-PTNT đã rà soát, cập nhật phương án ứng phó với bão mạnh, lũ lớn tại khu vực miền Trung; đôn đốc các địa phương thành lập, thu và quản lý Quỹ Phòng chống thiên tai.
Tại cuộc họp, các thành viên cho rằng, công tác phòng chống thiên tai ở miền Trung và Tây Nguyên còn một số tồn tại. Nhận thức của một bộ phận chính quyền và người dân còn chủ quan, hạn chế về hiểu biết dẫn đến thiệt hại nặng nề do bão, lũ (đã từng xảy ra với cơn bão số 12 - Damrey năm 2017, gây thiệt hại lớn ở Nam Trung bộ); chưa nắm vững các quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất sau khi bị thiệt hại do thiên tai, chậm phục hồi sản xuất, có nơi xảy ra khiếu kiện, không có thống kê ban đầu, đặc biệt về thủy sản; còn thiếu thông tin, hiểu biết về hồ chứa, điều hành hồ chứa dẫn đến hiểu chưa đúng, cho rằng hồ xả gây lũ ở hạ du. Xây dựng phương án ứng phó thiên tai chưa sát với thực tế, dẫn đến bị động khi triển khai trong tình huống thiên tai (số liệu về sơ tán dân trong các trận thiên tai thực tế khác biệt lớn so với phương án). Hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Công tác kiểm soát, kêu gọi tàu thuyền khi có bão còn khó khăn do ý thức của người dân và thiếu công cụ kiểm soát. Thông tin liên lạc khó khăn khi xảy ra bão mạnh, lũ lớn. Công tác điều hành hồ chứa còn bị động do đặc điểm mưa lũ trong khu vực và thiếu công cụ tính toán.