(SGGPO). - Hôm nay, 25-8, Văn phòng Chính phủ đã thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc rà soát, xây dựng các Dạnh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh; Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và Danh mục ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư tại dự án Luật đầu tư (sửa đổi)...
Cụ thể, về Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước về ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện chủ động rà soát, đánh giá lại các yêu cầu quản lý, hoàn thiện Danh mục này theo hướng mở rộng quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu hội nhập về đầu tư, thương mại quốc tế; cắt giảm những ngành nghề có điều kiện, các điều kiện đầu tư, kinh doanh không cần thiết, gắn với đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Chính phủ sẽ định kỳ tập hợp, rà soát, công bố Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện để thống nhất áp dụng.
Về Danh mục ngành nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư, Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng Danh mục này theo hướng đánh giá, tổng kết, kế thừa các quy định hiện hành, phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhằm thu hút các dự án đầu tư, giải quyết vấn đề lao động, việc làm, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng khó khăn, nhằm phát huy có hiệu quả các ngành, lĩnh vực, địa bàn có lợi thế cạnh tranh, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải phối hợp với các Bộ rà soát, hoàn thiện Danh mục này theo hướng ưu đãi theo ngành, nghề, địa bàn có trọng tâm, trọng điểm; không áp dụng ưu đãi đầu tư theo địa bàn đối với các dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên, dự án đầu tư, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt…Các Bộ liên quan phải hoàn thiện các Danh mục ngành nghề trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc chỉnh lý, bổ sung các quy định này vào dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10-2014.
Được biết, vừa qua khi tiến hành rà soát Danh mục lĩnh vực, ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tổng cộng đối với 386 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì có tới 895 điều kiện kinh doanh “cấp 1” (giấy phép “cha”); 2129 điều kiện “cấp 2” (giấy phép “con”) và 1745 điều kiện “cấp 3” (giấy phép “cháu”). Các điều kiện kinh doanh thể hiện đa dạng dưới nhiều hình thức, cụ thể: Có 110 ngành, nghề yêu cầu yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh với 171 loại giấy phép kinh doanh; 83 ngành, nghề yêu cầu có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh với 62 loại giấy chứng nhận; 44 loại ngành, nghề cần có chứng chỉ hành nghề với 53 loại chứng chỉ hành nghề; 11 ngành, nghề yêu cầu xác nhận vốn pháp định; 345 ngành, nghề yêu cầu phải có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo đánh giá thì Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh hiện hành chưa được xác định, tập hợp và công khai hóa; nhiều quy định về điều kiện kinh doanh đã lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn hoặc không cần thiết cho mục tiêu quản lý nhà nước, từ đó gây ra các rào cản ra nhập thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh; nhiều điều kiện kinh doanh không được quy định cụ thể và thiếu minh bạch về trình tự, hồ sơ, thủ tục hoặc điều kiện, thủ tục không rõ ràng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh đồng thời tạo ra sự tùy tiện, tiêu cực của cơ quan quản lý nhà nước.
Qua rà soát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh chỉ còn 8 ngành nghề, gồm: Kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; kinh doanh chất ma túy; sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, tiêu dùng và xuất khẩu hóa chất Bảng 1; kinh doanh các loại pháo; kinh doanh, tổ chức mại dâm, buôn bán người; kinh doanh thực vật, động vật hoang dã, quý hiếm, gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến; thử nghiệm sinh sản vô tính trên người; và sản xuất các sản phẩm biến đổi gen. |
PHAN THẢO