Cùng với lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết, doanh nghiệp nước ta cũng phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật khác mà các nước thành viên trong hiệp định dựng lên. Trong đó, đáng phải lo ngại nhất là rào cản về môi trường. Điều đáng nói, hạn chế này xuất phát từ ngành hàng hóa và dịch vụ môi trường của nước ta quá yếu kém.
Cầu lớn, cung nhỏ
Ông Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại Bộ Công thương, cho biết, chỉ tính riêng từ năm 2014 đến nay, thương mại toàn cầu đối với hàng hóa và dịch vụ môi trường đạt khoảng 4.000 tỷ USD và ước tính con số này sẽ tăng lên 10.000 tỷ USD vào năm 2020 với tốc độ tăng trưởng rất cao. Mỹ là nước dẫn đầu trong đầu tư sản xuất và thương mại đối với hàng hóa môi trường, kim ngạch xuất khẩu đạt 106 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng luôn ổn định ở mức 8%/năm; tiếp đến là Liên minh châu Âu và gần đây là Ấn Độ và Trung Quốc. Thị trường Việt Nam vào khoảng 20 tỷ USD vào năm 2014, chiếm khoảng 0,5% thị trường toàn cầu và đứng thứ 33 trong tốp 50 quốc gia trên thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường trên thế giới. Đáng tiếc là cho đến nay, việc phát triển hàng hóa và dịch vụ môi trường vẫn chưa tương xứng với thị trường và nhu cầu trong nước. Hiện nay, cả nước chỉ mới có 15 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp môi trường, tập trung sản xuất chủ yếu một số mặt hàng như hệ thống lọc bụi, khí, lò đốt chất thải nguy hại và thông thường, các thiết bị phân loại rác, sản xuất phân compost, viên nhiên liệu… Mặt khác, 80% công nghệ phục vụ cho hoạt động dịch vụ này hoàn toàn nhập khẩu từ nước ngoài khiến cho chi phí sử dụng dịch vụ môi trường nước ta rất cao.
Hiện nay khoảng 90% lượng rác thải đang được xử lý bằng biện pháp chôn lấp (Ảnh: CAO THĂNG)
Chưa hết, hoạt động xử lý chất thải ô nhiễm môi trường ở nước ta đang rất bất cập. Hiện cả nước có khoảng 165 khu công nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có khoảng 77% khu công nghiệp có đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Số còn lại đang được thải bỏ trực tiếp chất thải ra môi trường. Đó là chưa kể, với những khu công nghiệp dù đã có hệ thống xử lý chất thải nhưng lại không vận hành thường xuyên, hoặc vận hành chỉ để đối phó với các cơ quan chức năng. Trong khi đó, khối lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 12 triệu tấn/năm, nhưng có đến 90%/tổng lượng chất thải đang được xử lý bằng biện pháp chôn lấp… Điều này cho thấy tiềm năng nhu cầu về dịch vụ môi trường tại Việt Nam rất lớn. Đặc biệt, dự kiến đến năm 2020, lượng chất thải ở Việt Nam tăng lên gần 30 triệu tấn/năm đối với chất thải rắn, khoảng 1,5 tỷ m3 nước thải và hàng trăm ngàn tấn chất thải nguy hại, chất thải y tế.
Thay đổi để phát triển
Tự do hóa thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ môi trường hiện nay được xem là công cụ hỗ trợ hiệu quả đối với việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh. Bởi nó góp phần hình thành một lĩnh vực kinh tế mới với các sản phẩm hàng hóa môi trường và các hoạt động cung cấp dịch vụ môi trường. Mặt khác, tạo ra những động lực để thúc đẩy phát triển bền vững thông qua tăng cường khả năng tiếp cận các công nghệ máy móc, thiết bị và cung ứng dịch vụ về môi trường với giá rẻ trong các lĩnh vực xử lý chất thải nguy hại, phục hồi đất và nước, thu hồi và lưu trữ các-bon, sản xuất năng lượng tái tạo thông qua các cắt giảm về thuế quan và loại bỏ rào cản thương mại. Đặc biệt, gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên và năng lượng. Đồng thời, mở rộng sản xuất và phát triển thị trường đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ mà quá trình sản xuất, chế biến, sử dụng, thải bỏ ít gây ô nhiễm môi trường hơn các sản phẩm thông thường khác.
Nhận thức được vấn đề quan trọng này, trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, định hướng, thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa và dịch vụ công nghệ môi trường. Thậm chí, luật bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2014 cũng đã chỉ rõ, nhà nước đầu tư và có chính sách hỗ trợ ưu đãi đối với cá nhân và tổ chức tham gia vào lĩnh vực này. Đặc biệt, nội dung này là một nội dung quan trọng trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên - Môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường, để có thể đẩy mạnh tăng trưởng ngành hàng hóa và dịch vụ môi trường đáp ứng yêu cầu thực tế trong thời gian tới, nhất thiết phải tạo lập môi trường pháp lý cho ngành dịch vụ môi trường. Trong đó, có những chính sách thu hút đầu tư nước ngoài để tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển dịch vụ môi trường; thực hiện xã hội hóa hoạt động cung ứng, tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ môi trường. Riêng đối với từng loại hình dịch vụ môi trường khác nhau cũng cần có những chính sách riêng thích hợp.
Cụ thể, với hoạt động cấp nước sạch và xử lý nước thải, phải xã hội hóa dịch vụ cấp nước sạch. Đối với việc xử lý nước thải sinh hoạt, bước đầu nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo nhưng về lâu dài phải có sự chuyển giao cho tư nhân. Còn với hoạt động xử lý chất thải rắn, tạo cơ chế khuyến khích đối với hoạt động giảm thiểu và tái chế rác thải. Dịch vụ này có thể khuyến khích xã hội hóa ở khâu thu gom và xử lý rác thải thông thường. Các công ty môi trường đô thị tại các địa phương cần được phát triển theo hướng tự hạch toán, tự kinh doanh. Từng bước xóa bỏ dần chế độ bao cấp bằng cách cơ cấu lại tổ chức và quản lý của các công ty.
PHÚC ANH