Rạp hát hiện đại ở TPHCM: Còn xa lắm!

Hiện nay, TPHCM mặc dù có nhiều sân khấu đang hoạt động sôi nổi, thường xuyên sáng đèn phục vụ công chúng nhưng nếu nhìn vào hệ thống sàn diễn của các sân khấu này, nhiều người không khỏi xót xa trước tình cảnh: điều kiện cơ sở vật chất quá lạc hậu. Hiện nay, để tìm một “thánh đường” cho kịch nói, cải lương hầu như là con số không.
Rạp hát hiện đại ở TPHCM: Còn xa lắm!

Hiện nay, TPHCM mặc dù có nhiều sân khấu đang hoạt động sôi nổi, thường xuyên sáng đèn phục vụ công chúng nhưng nếu nhìn vào hệ thống sàn diễn của các sân khấu này, nhiều người không khỏi xót xa trước tình cảnh: điều kiện cơ sở vật chất quá lạc hậu. Hiện nay, để tìm một “thánh đường” cho kịch nói, cải lương hầu như là con số không.

Càng chậm, càng lãng phí

Nhà hát Hòa Bình, được xem là hiện đại nhất hiện nay, cũng đã xây dựng cách đây hàng mấy mươi năm. Tuy nhiên, với sức chứa hơn 2000 khán giả, nơi đây được cho là phù hợp với các chương trình ca nhạc hoành tráng hơn là diễn kịch, cải lương.

Còn Nhà hát TPHCM, được xây dựng từ thời Pháp, lại phù hợp với âm nhạc hàn lâm hơn. Các sàn diễn Phú Nhuận, Trần Cao Vân, IDECAF… chỉ là thay đổi công năng (vốn là hội trường).

Theo một số nghệ sĩ, hiện nay chỉ có Nhà hát Bến Thành được xem là tương đối phù hợp nhất cho dàn dựng kịch và cải lương (số lượng ghế vừa phải, có chỗ để xe thông thoáng). Nhưng cả thành phố mà chỉ có một Nhà hát Bến Thành thì việc kẹt lịch diễn là điều khó tránh khỏi.

Khi nào Nhà biểu diễn đa năng Phú Thọ (vốn đầu tư dự kiến hơn 400 tỷ đồng) được xây dựng?
Khi nào Nhà biểu diễn đa năng Phú Thọ (vốn đầu tư dự kiến hơn 400 tỷ đồng) được xây dựng?

Mới đây, một đơn vị dự định đầu tư hoành tráng cho vở kịch kinh dị Trăng rừng (tác giả Xuyên Lâm, đạo diễn Hoàng Duẩn) để diễn vào cuối tháng 5-2010 nhưng cuối cùng đành phải tìm sàn diễn nhỏ hơn vì không thuê được Nhà hát Bến Thành.

Sự thiếu hụt rạp hát hiện đại đưa đến hệ quả: Khó lòng có được nhiều tác phẩm sân khấu hay phục vụ khán giả.

Từ nhiều năm nay, TPHCM đã khởi động các dự án xây dựng rạp hát hiện đại để đáp ứng nhu cầu phát triển của sân khấu. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các dự án như rạp hát Hưng Đạo, Nhà biểu diễn đa năng Phú Thọ, Nhà hát Giao hưởng - Vũ kịch TPHCM… đều vẫn còn nằm trên giấy. Sự chậm trễ này gây lãng phí không nhỏ do kinh phí đầu tư tăng lên vì giá cả các mặt hàng xây dựng liên tục tăng. Chưa kể, lãng phí lớn nhất từ sự chậm xây dựng các rạp hát hiện đại là lãng phí tài năng nghệ thuật.

Đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM cho rằng: “Nếu được làm việc trong những rạp hát hiện đại, sự sáng tạo của các nghệ sĩ càng thăng hoa hơn. Hiện nay thì…”.

Riêng công trình Nhà hát Giao hưởng - Vũ kịch TPHCM, nếu càng chậm không chỉ lãng phí tài năng của các nghệ sĩ mà còn lãng phí 81 nhạc cụ được nhập về từ năm 2009 với giá 47 tỷ đồng.

“Thánh đường” còn xa lắm!

Ông Lê Duy Hạnh - Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM: “Nếu trước đây khi xây dựng các nhà văn hóa, chúng ta chú trọng đến việc xây dựng những hội trường kết hợp với rạp hát thì có lẽ hiện nay TPHCM sẽ có được nhiều rạp hát có thể phục vụ khán giả. Hiện nhiều nhà văn hóa có hội trường rất khang trang nhưng nếu muốn đưa kịch hay cải lương đến diễn phải chỉnh sửa lại rất nhiều. Cụ thể, vừa qua Sân khấu Hoàng Thái Thanh diễn ở Nhà Thiếu nhi TPHCM cũng phải đầu tư một số lớn kinh phí để làm lại sân khấu mới có thể diễn được. Tôi nghĩ, lâu nay chúng ta quên điều này nên nói cách nào đó là lãng phí”.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, dự án xây mới rạp hát Hưng Đạo nếu nhanh nhất cũng đến tháng 6-2010 mới có thể khởi công, tuy nhiên cũng chưa chắc bởi trước đây dự án này đã từng dự kiến khởi công nhiều lần.

Với rạp hát dành cho xiếc, nhạc sĩ Hồ Văn Thành, Trưởng đoàn nghệ thuật xiếc TPHCM, cho biết: “Việc có được nơi biểu diễn hiện đại xem ra còn phải chờ dài dài bởi đến nay vẫn chưa quyết định thời điểm nào khởi công”.

Với Nhà hát Giao hưởng - Vũ kịch vấn đề càng khó khăn hơn bởi cho đến nay vẫn chưa thể xác định được địa điểm cụ thể. Trong lần trò chuyện mới đây, ông Nguyễn Thành Rum - Giám đốc Sở VHTT-DL TPHCM cho biết, dự án xây dựng rạp hát cho giao hưởng - vũ kịch đã được dời về Thủ Thiêm. Tuy nhiên, việc xác định địa điểm cụ thể còn phải khảo sát thêm, sau đó còn phải tiến hành giải phóng mặt bằng… Nói chung, còn phải cần thêm một quá trình nữa.

Có lẽ, đã đến lúc các ngành, các cấp cần phải quan tâm và quyết liệt hơn nữa với vấn đề này bởi việc xây dựng các rạp hát hiện đại không chỉ đáp ứng cho sự phát triển của sân khấu, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của người dân thành phố mà đó còn là những công trình văn hóa để lại cho mai sau!

ĐỖ HẠNH

Tin cùng chuyên mục