Liên quan bài “Bỗng dưng thành tội phạm man rợ” , Báo SGGP nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia lý giải về hiện tượng này, xin trích giới thiệu cùng bạn đọc.
- Thạc sĩ Vũ Toản, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM: Khả năng hội nhập xã hội... không bình thường
Từ những vụ án kinh hoàng trên cho thấy khả năng hội nhập xã hội về kiểm soát hành vi của từng cá nhân là không bình thường. Lối tự xử, “nói chuyện bằng dao kiếm” phản ánh trong xã hội còn tồn tại một bộ phận kém hiểu biết về vốn xã hội, trong đó thiếu năng lực chung sống hòa bình với những người xung quanh. Các vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra gần đây đều có chung một điểm là sự kém bền chặt của các mối quan hệ giữa cá nhân với gia đình và môi trường xã hội. Tính ẩn danh của con người sống trong môi trường đô thị đã góp phần làm cho hành động có tính chất man rợ, sự thiếu hiểu biết và trách nhiệm của một bộ phận cá nhân có điều kiện bộc lộ rõ hơn. Điều đặc trưng và khá phổ biến là sự lãnh đạm đôi khi đến thờ ơ của cá nhân đã làm cho các quan hệ thường ngày trở nên lỏng lẻo, cũng góp phần làm suy yếu năng lực hội nhập vốn làm nên sự thành đạt của nhiều người. Đồng thời, những vụ án kinh hoàng cũng là biểu hiện bất ổn của mối quan hệ kinh tế với đời sống tinh thần và sự suy thoái về đạo đức, lối sống.
Lối sống đô thị với sự giao tiếp gián đoạn giữa các thành viên trong gia đình ngày càng chiếm ưu thế như một sự hợp lý mà các thành viên chọn lựa. Hoạt động giao tiếp giữa các thế hệ trong gia đình thu hẹp là một trong những nguyên nhân gây nên sự kém hiểu biết và tinh thần chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên. Mỗi cá nhân cần thể hiện trách nhiệm xã hội nhiều hơn bởi “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”. Xã hội cần hình thành và mở rộng thêm những không gian sinh hoạt có tính giáo dục và kỹ năng sống (đặc biệt cho các bạn trẻ). Ngoài ra, việc tạo cơ hội bình đẳng về việc làm, sự tham gia các dịch vụ xã hội cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Chừng nào giới trẻ chưa tự học để làm người, không gian vui chơi giải trí lành mạnh mà giới trẻ có thể tiếp cận còn thiếu, trường học chưa đủ tính chuyên nghiệp để đảm nhận trách nhiệm hỗ trợ công dân có năng lực hòa nhập vào đời sống xã hội phù hợp hợp thì chừng đó những câu chuyện buồn như trên còn phổ biến.
- PGS-TS Nguyễn Minh Đức, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân): Cần xem xét mọi phương diện
Tất cả tội phạm đều có những nguyên nhân, điều kiện nhất định. Tội phạm là “hiện tượng xã hội tiêu cực” và đều có gốc rễ từ những vấn đề xã hội. Khi một người trước đó được đánh giá là hiền lành bỗng dưng phạm tội cần phải được xem xét tất cả các khía cạnh: môi trường sống, làm việc, học tập; quan hệ gia đình, bạn bè; sức khỏe, tâm sinh lý tại thời điểm trước và gần giai đoạn phạm tội; việc làm, thu nhập thế nào? Chắc chắn một trong những vấn đề trên sẽ tác động tới người phạm tội, nó tạo nên nguyên nhân thúc đẩy hành vi phạm tội.
Muốn thay đổi được lối “nói chuyện bằng dao kiếm”, trước hết, cơ quan chức năng ở địa phương cần làm rõ nguyên nhân, điều kiện của hiện tượng xã hội tiêu cực trên, nhìn thẳng vào thực tế để có biện pháp giải quyết. Nếu đối tượng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, cần xem có bị ảnh hưởng bởi phim, ảnh, game không? Quy phạm pháp luật xử lý hành vi đó đủ sức trừng trị, giáo dục chưa? Phong trào quần chúng đấu tranh với những hành vi sai trái ở nơi đó mạnh hay lại thờ ơ, né tránh với cái ác đang phổ biến? Nếu mâu thuẫn phát sinh mà người trong cuộc tự xử, không trình báo cơ quan chức năng, thì cơ quan chức năng cũng cần phải xem lại cả chính mình: đã thực sự làm tốt chức năng của mình (tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, giám sát, xử lý); các biện pháp phòng ngừa đã triển khai đồng bộ và có hiệu quả chưa; đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chưa?
Đường Loan (ghi)