Rục rịch thị trường tín chỉ carbon

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sản xuất sạch thuộc nhiều lĩnh vực mong đợi sớm hình thành thị trường mua bán tín chỉ carbon (CO 2 ). Từ đó không chỉ hướng tới hoàn thiện sản phẩm đạt chuẩn với quy định mới của nhiều thị trường nhập khẩu khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản, Canada… mà còn là nguồn thu để doanh nghiệp tái đầu tư, hạ giá thành.

Gần 2.000 doanh nghiệp bị kiểm kê khí phát thải

Tại buổi nói chuyện với các nhà xuất khẩu gỗ Việt Nam gần đây, TS Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình Quản lý tài nguyên và chính sách thương mại (Forest Trend), cho biết, doanh nghiệp ngành gỗ sẽ nằm trong diện bị kiểm kê hiệu ứng nhà kính.

Không chỉ ngành gỗ, theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg (Quyết định 01) của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, những doanh nghiệp thuộc 6 lĩnh vực: năng lượng, giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông - lâm nghiệp và chất thải cũng bị kiểm kê hiệu ứng nhà kính. Điều kiện bị kiểm kê hiệu ứng nhà kính là có mức phát thải khí nhà kính hàng năm tương đương trên 3.000 tấn CO2 hoặc tổng lượng tiêu thụ điện tương đương trên 1.000 tấn dầu/năm.

“Với Quyết định 01, ước chừng có gần 2.000 doanh nghiệp Việt Nam nằm trong diện kiểm kê hiệu ứng nhà kính với tần suất 2 năm/lần để xác định lượng carbon của doanh nghiệp. Nếu vượt mức, doanh nghiệp phải có biện pháp kỹ thuật cắt giảm hoặc phải mua lượng tín chỉ tương đương để bù vào”, TS Tô Xuân Phúc cho biết.

Doanh nghiệp gỗ sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ carbon Việt Nam thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2025
Doanh nghiệp gỗ sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ carbon Việt Nam thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2025

Theo TS Hà Huy Tuấn (Trường Đại học Chu Văn An, tỉnh Hưng Yên), ngày 1-1-2023, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (viết tắt là CBAM) và chính thức áp dụng từ ngày 1-1-2026. “Theo quy định của CBAM, doanh nghiệp ngoài EU khi xuất hàng có carbon trong quá trình sản xuất vào EU sẽ phải trả phí carbon bằng với mức các doanh nghiệp EU đã đóng; chỉ không trả hoặc bù phần chênh lệch khi họ đã trả ở nước sản xuất bằng hoặc thấp hơn với mức phí tại EU”.

Những điều kiện của CBAM, theo TS Hà Huy Tuấn, như một “biện pháp kỹ thuật bảo hộ cộng đồng doanh nghiệp EU”, nhưng nhìn ở góc độ khác là cơ hội bán tín chỉ carbon của nhiều doanh nghiệp trong nước, nhất là cộng đồng doanh nghiệp lĩnh vực trồng rừng, sản xuất lúa sạch…

Theo số liệu của Bộ TN-MT, trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã tiêu thụ được 4 triệu tín chỉ carbon với giá trị gần 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đó chỉ là giá trị quy đổi tạo lập tín chỉ carbon theo hình thức sản xuất an toàn của các doanh nghiệp có hàng xuất đi nước ngoài thường xuyên, chứ chưa phải là giá trị giao dịch “thuận mua vừa bán” của thị trường hàng hóa.

Nguồn thu không nhỏ

Theo Bộ TN- MT, tính đến tháng 11-2022, Việt Nam đã có 276 dự án theo cơ chế phát triển sạch với 29,4 triệu tín chỉ carbon; 32 dự án theo tiêu chuẩn vàng (đã phát hành quốc tế hơn 5,7 triệu tín chỉ carbon) và 27 dự án theo tiêu chuẩn được thẩm tra đã phát hành hơn 1,3 triệu tín chỉ carbon.

Th.S Nguyễn Thị Truyền, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và dịch vụ tài nguyên - môi trường (Trường Đại học TN-MT TPHCM) cho rằng, việc các doanh nghiệp thực hiện các dự án sản xuất sạch để có tín chỉ carbon đã làm từ nhiều năm nay nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài vì họ cần hồ sơ “đủ và đẹp” khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.

Với cam kết “lộ trình Net Zero” mức phát thải ròng CO2 bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ, trong năm nay, Việt Nam sẽ bắt đầu kiểm kê khí thải nhà kính để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về môi trường toàn cầu, cũng như đáp ứng yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu hàng hóa. Dự kiến năm 2023, Việt Nam sẽ có thêm gần 2.000 doanh nghiệp tham gia “lộ trình Net Zero”.

Theo Th.S Nguyễn Thị Truyền, sau hoạt động kiểm kê phát thải khí nhà kính, doanh nghiệp phải có báo cáo kế hoạch giảm phát thải (chủ yếu là hàm lượng carbon) cho các cơ quan chức năng làm bằng chứng đối chiếu theo từng giai đoạn. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ kiểm toán theo đề xuất của doanh nghiệp, nếu đạt sẽ cấp tín chỉ. Vì vậy, trong năm 2023, không chỉ các doanh nghiệp có trong danh sách bị kiểm kê khí nhà kính mà còn có những tổ chức, cộng đồng… tình nguyện kiểm soát khí nhà kính theo cơ chế sản xuất sạch.

Đại diện Gavi Group cho biết, doanh nghiệp đang chuẩn bị những thủ tục cần thiết để tham gia cơ chế sản xuất sạch để sớm được cấp tín chỉ carbon, vừa hướng đến sản xuất lúa sạch, vừa thêm nguồn thu cho nông dân.

Còn ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và mỹ nghệ TPHCM, bày tỏ: “Với nhiều doanh nghiệp, cộng đồng trồng rừng, sản xuất nông nghiệp… nếu bán được tín chỉ carbon với mức giá 10 USD/tấn (1 tín chỉ) sẽ là nguồn thu khá đáng kể”.

Trong khi đó, theo ông Hồ Văn Cử, đại diện tổ chức Preferred by Nature tại Việt Nam, với mức giá dao động từ 5-10 USD/tín chỉ carbon, với nguồn tín chỉ hiện có, có thể mang lại gần 40 triệu USD, là nguồn thu không nhỏ cho cộng đồng. Để thu được khoản này phải đợi vì đến năm 2028 Việt Nam mới hoạt động sàn giao dịch tín chí carbon. Những định chế pháp lý, tài chính cho thị trường carbon vẫn phải chờ quy định của Chính phủ.

Ngày 7-1-2022, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Theo đó, năm 2025 sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon; đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon… Năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Tin cùng chuyên mục