Rủi ro lớn nhất

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra tấn công mạng quy mô lớn, nhiều hơn nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính khác như năm 2008.
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell. Ảnh: THX/TTXVN
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell. Ảnh: THX/TTXVN

 Trả lời phỏng vấn trong chương trình “60 minutes” phát trên Đài CBS, ông Powell khẳng định nguy cơ về cuộc khủng hoảng như từng xảy ra năm 2008 dẫn tới những gói cứu trợ của chính phủ dành cho các ngân hàng là “rất thấp”. Ông nhấn mạnh: “Thế giới đang thay đổi, đang tiến triển và các nguy cơ cũng thay đổi theo. Tôi muốn nói rằng nguy cơ mà chúng ta cần lưu ý nhất giờ đây là an ninh mạng”. 

Theo ông Powell, có thể nói rằng rủi ro mà chúng ta để mắt đến nhiều nhất hiện nay là rủi ro mạng. Đó là điều rất nhiều cơ quan Chính phủ Mỹ, bao gồm FED và tất cả các doanh nghiệp tư nhân lớn, đặc biệt tất cả các công ty tài chính, theo dõi rất cẩn thận. Theo ông Powell, FED đang cân nhắc nhiều kịch bản khác nhau, như hệ thống thanh toán không thể hoạt động hay một thể chế tài chính lớn mất khả năng truy vết giao dịch, hoặc một phần hệ thống tại chính sụp đổ. Ông Powell khẳng định: “FED chi nhiều thời gian, năng lượng và tiền bạc vào việc bảo vệ hệ thống tài chính khỏi những nguy cơ trên”, đồng thời nhấn mạnh các vụ tấn công mạng nhằm vào các tổ chức lớn vẫn đang “xảy ra hàng ngày”.

Tấn công mạng đang là nỗi ám ảnh trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực tài chính. Theo một cuộc khảo sát do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thực hiện năm 2020, các cuộc tấn công mạng gây thiệt hại 100 tỷ USD/năm cho các tổ chức tài chính, tương đương 9% thu nhập của các ngân hàng toàn cầu trong một năm. Nếu tần suất các cuộc tấn công mạng cao gấp đôi, mức độ thiệt hại có thể cao gấp 2,5 - 3,5 lần, tương đương 270 - 350 tỷ USD. Và ở mức tồi tệ nhất có thể thiệt hại lên đến 50% thu nhập ròng của các ngân hàng toàn cầu, khiến khu vực tài chính gặp rủi ro.

Theo báo cáo của IMF trong năm 2020, tin tặc đã chọn các tổ chức tài chính làm mục tiêu do thực tế chúng có thể khiến cuộc tấn công nhanh chóng lây lan thông qua các hệ thống tài chính được kết nối với nhau. Bên cạnh đó, phần lớn các tổ chức tài chính vẫn sử dụng các hệ thống kỹ thuật số cũ, hầu như không có khả năng tự vệ trước các kỹ thuật tấn công tinh vi do kẻ gian thực hiện. Các chuyên gia kỹ thuật của IMF gợi ý rằng cần phải có một kế hoạch để tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho các công ty tài chính, giúp giảm tỷ lệ tấn công mạng thành công và tạo điều kiện phục hồi nhanh chóng để giảm thiệt hại.

Tin cùng chuyên mục