Rước long vị vua Hàm Nghi về di tích thành Tân Sở

Ngày 12-7, tại Đại nội Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức lễ cung rước Long vị vua Hàm Nghi về Khu Di tích Quốc gia Thành Tân Sở.

Long vị vua Hàm Nghi được đặt lên án thờ trong Đền tưởng niệm vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương.
Long vị vua Hàm Nghi được đặt lên án thờ trong Đền tưởng niệm vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương.

Trong dịp này, tỉnh Quảng Trị cũng rước Bài vị Binh bộ thượng thư Tôn Thất Thuyết, Bài vị Kỹ vĩ quận công Nguyễn Văn Tường về thờ. Đây là hai vị quan triều Nguyễn có công phò tá vua Hàm Nghi, góp công trong phong trào Cần Vương.

Long vị của vua Hàm Nghi và bài vị các tướng sĩ Cần Vương được đưa vào thờ ở Đền tưởng niệm vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương (ở khu Di tích Quốc gia Thành Tân Sở).

 Rước long vị vua Hàm Nghi về di tích thành Tân Sở ảnh 1 Các nghi lễ được tiến hành theo đúng nghi thức cung đình. Sau khi thực hiện lễ cáo long vị của vua Gia Long đầu triều, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và huyện Cam Lộ trong trang phục áo dài khăn đóng tham gia lễ tế, lễ thỉnh, lễ khởi giá và rước Long vị vua Hàm Nghi

Được biết, Đền tưởng niệm vua Hàm Nghi và các tướng sĩ được thiết kế mô phỏng theo kiến trúc của kinh thành Huế, bao gồm một ngôi đền 5 gian, 2 chái, khuôn viên, hàng rào, sân vườn… Công trình có tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng, được bố trí từ nguồn vốn mục tiêu phát triển của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Quảng Trị, huyện Cam Lộ và nguồn xã hội hóa.

 Rước long vị vua Hàm Nghi về di tích thành Tân Sở ảnh 2 Sau khi đại diện Nguyễn Phước tộc thực hiện các nghi lễ, Long vị của vua Hàm Nghi được chuyển lên ôtô, hướng thẳng về khu di tích quốc gia thành Tân Sở (thuộc thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị)
 Rước long vị vua Hàm Nghi về di tích thành Tân Sở ảnh 3 Sau khi đi ôtô từ kinh thành Huế, khi còn khoảng một km cuối cùng, đoàn rước dùng kiệu để đưa Long vị vua vào đền thờ, tạo thuận lợi cho người dân chứng kiến

Tại thành Tân Sở, ngày 13-7-1885, thay mặt vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết đã ban hành Hịch Cần Vương kêu gọi nhân dân phò vua đánh Pháp. Từ đó, Tân Sở trở thành trung tâm kháng chiến, linh hồn của phong trào yêu nước chống Pháp.

Hưởng ứng Hịch Cần Vương, nhân dân khắp cả nước dưới sự lãnh đạo của các văn thân, sĩ phu yêu nước đã nổi dậy đánh Pháp, phong trào phát triển kéo dài cho đến những năm đầu thế kỷ 20.

Năm 1995, thành Tân Sở được xếp hạng di tích quốc gia.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết: "Việc xây dựng đền thờ và đưa Long vị vua Hàm Nghi cùng các tướng sĩ Cần Vương về thành Tân Sở nhằm quy tụ hồn thiêng các bậc tiền nhân có công với quê hương đất nước, qua đó giáo dục truyền thống văn hóa, yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng vẻ vang của quê hương cho thế hệ trẻ".

Tin cùng chuyên mục