Nằm phía bên kia sông Hậu, đối diện thị xã Châu Đốc, làng Chăm Châu Phong (thuộc thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) ngày càng hấp dẫn du khách, bởi đây là làng Chăm cổ và còn mang đậm nét đặc trưng văn hóa Chăm ở vùng châu thổ Cửu Long. Đến Châu Phong, du khách như lạc vào thế giới của sắc màu thổ cẩm truyền thống được dệt bởi những cô gái Chăm xinh xắn…
Làng Chăm cổ
Anh Đặng Dũng, Giám đốc Công ty Khám Phá Mekong (Delta Adventure) nói: “Nói đến Tân Châu, người ta nhắc đến quê hương của lụa là, gấm vóc đẹp nhất vùng châu thổ Cửu Long. Hình ảnh của những cô gái dệt lụa ở gần thị xã Tân Châu hay những cô gái Chăm ở Châu Phong ngồi bên khung cửi dệt thổ cẩm soi bóng dưới dòng kinh sẽ làm các bạn khó quên”.
Làng Chăm Châu Phong nằm dọc theo hai bên bờ kênh Vĩnh An hiền hòa. Ca nô cập vào bậc tam cấp để khách lên bờ, cũng là đặt chân lên làng Chăm Phũm Soài (ấp Phũm Xoài, xã Châu Phong). Ấn tượng đầu tiên con đường làng sạch đẹp, hai bên là nhà sàn được làm bằng gỗ với kiến trúc truyền thống của người Chăm vùng Nam bộ khá đẹp. Người dân ở đây ai cũng chất phác, hiền lành và hiếu khách. Đặc biệt, những thánh đường trang nghiêm, thanh thoát với mái vòm mang đặc trưng của thánh đường Hồi giáo. Du khách dễ dàng nhìn thấy những bảng hiệu viết bằng chữ Chăm càng làm cho làng thêm “đậm đặc” văn hóa Chăm.
Chúng tôi đến tham quan thánh đường Hồi giáo Nia’Mah – thánh đường được xếp vào hàng cổ nhất ở Châu Phong. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Châu Phong là làng Chăm cổ nhất của cộng đồng người Chăm vùng An Giang. Người Chăm từ Ninh Thuận, Bình Thuận ngày xưa đặt chân đến vùng Châu Phong này trước nhất, sau đó mới tỏa ra nhiều nơi khác. Bằng chứng tại đây còn những bia mộ đề niên đại cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18.
Ở Chăm Phũm Soài còn có nhiều nhà cổ của người Chăm, có căn hơn 100 tuổi. Mặc dù trở thành điểm tham quan nhưng cuộc sống người dân ở Châu Phong vẫn diễn ra bình thường, như một “bảo tàng sống” rất thật, không bị thương mại hóa, vì vậy mà du khách đến đây rất thích thú.
Sắc màu thổ cẩm và làng du lịch cộng đồng
Ở Châu Phong hiện nay có gần 500 hộ đồng bào Chăm, trong đó ấp Phũm Soài có khoảng 300 hộ và phân nửa trong số này làm nghề dệt thổ cẩm. Ở Châu Phong còn có cả một hợp tác xã mang tên Châu Giang tập trung nhiều xã viên dệt thổ cẩm để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Sản phẩm dệt ra chủ yếu là vải thổ cẩm, áo choàng, sarông, khăn quấn cổ – đội đầu, khăn trải bàn; các mặt hàng lưu niệm như: bóp, ví, túi xách, móc khóa…
Màu của thổ cẩm ở đây được nhuộm bằng mủ, vỏ và trái mặc nưa (loại trái này ở vùng Tân Châu người ta cũng dùng để dệt nên lụa Lãnh Mỹ A – Tân Châu trứ danh) nên sắc màu đẹp và lâu phai. Có người so sánh rằng, màu của thổ cẩm ở Châu Phong tươi và sống động hơn sản phẩm cùng loại ở nơi khác. Một vị cao niên ở đây cho biết, sở dĩ nghề dệt thổ cẩm ở Châu Phong còn lưu giữ đến hôm nay là do tục “cấm cung”, tức con gái lớn lên không được ra ngoài, chỉ ở trong nhà dệt vải hay thêu thùa. Mặc dù tục “cấm cung” hiện nay không còn nữa nhưng sự khéo léo, tinh tế, tỉ mỉ của người phụ nữ Chăm Châu Phong vẫn không mất đi.
Nhờ những nét hấp dẫn và độc đáo ấy nên làng Châu Phong được ngành du lịch An Giang chọn làm làng du lịch cộng đồng. Ở đây đã thành lập Trung tâm Thông tin Du lịch Châu Phong có nhiệm vụ quảng bá làng du lịch cộng đồng, làng dệt Châu Phong, giới thiệu cho du khách nét văn hóa và sản phẩm của người Chăm.
Đặc biệt, trung tâm này còn tổ chức nhiều tour cho du khách trong và ngoài nước tham quan Châu Phong, trong đó có tour homestay (ở nhà người dân bản địa) với chương trình “Trở thành một người Chăm” (1 ngày 1 đêm). Du khách sẽ ăn, ngủ tại nhà người Chăm, cùng sinh hoạt với họ, thưởng thức chương trình âm nhạc Chăm, tập vài thao tác dệt thổ cẩm hay vài điệu múa Chăm… Đặc biệt, khách còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Chăm như: Cà ri bò, lạp xưởng bò, gỏi sầu đâu, bánh Chăm (bánh tổ chim, bánh lỗ…).
Anh Roh Man, Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch Châu Phong cho biết, mỗi tháng Châu Phong đón khoảng 1.200 khách quốc tế, còn khách nội địa được vài trăm.
VIỆT TẤN