Sách Artbook: Cuộc chơi đầy tốn kém

Vài năm trở lại đây, thị trường xuất bản trong nước bắt đầu xuất hiện những cuốn sách theo phong cách Artbook (sách nghệ thuật), được đầu tư về nội dung lẫn hình thức. Dù chưa thực sự tạo nên cơn sốt nhưng dòng sách này bước đầu đã nhận được thiện cảm của độc giả và trong tương lai nó hoàn toàn có thể xuất khẩu ra nước ngoài.
Bạn đọc nhí thích thú cuốn sách Thiện và Ác và Cổ tích - sách Artbook do NXB Kim Đồng ấn hành
Bạn đọc nhí thích thú cuốn sách Thiện và Ác và Cổ tích - sách Artbook do NXB Kim Đồng ấn hành

Cuộc chơi của giới cầm bút và cầm cọ 

Ngay từ khi xuất hiện, Huỳnh Trọng Khang (25 tuổi) đã định danh là tác giả tiểu thuyết với hai tác phẩm ra mắt cách nhau một năm: Mộ phần tuổi trẻ và Những vọng âm nằm ngủ. Nhưng vào năm ngoái, Huỳnh Trọng Khang bất ngờ ra mắt tập thơ Mephy! Mephy! Mephy! (Phương Nam và NXB Văn hóa - Văn nghệ), sáng tác chung với họa sĩ trẻ Trần Quốc Anh. Không xen vào những bức tranh minh họa giống với nhiều tập thơ được xuất bản trước đây, tập thơ của Huỳnh Trọng Khang và Trần Quốc Anh được thực hiện theo phong cách Artbook. Đi kèm những bài thơ của Huỳnh Trọng Khang là những bức tranh bay bổng, với gam màu cam nóng ấm của Trần Quốc Anh. 

Theo chia sẻ của Huỳnh Trọng Khang, đối với sách Artbook, không đơn thuần là tranh minh họa nữa mà tranh đồng hành với thơ, trong tranh có thơ và trong thơ có tranh. “Một khi đã chấp nhận một thực thể thống nhất giữa tranh và thơ thì chúng ta không nên lo sợ tranh sẽ lấn át thơ hay thơ lấn át tranh. Cả hai cùng tôn vinh sản phẩm chung đó là cuốn sách. Mình phải sòng phẳng xác định ngay từ đầu như vậy. Trên cuốn sách, tên tôi và họa sĩ Trần Quốc Anh đứng chung với nhau trên tư cách là tác giả của cuốn sách”, tác giả này nói thêm. 

Anh Vũ Chí Hiếu, Trưởng phòng Kỹ - Mỹ thuật chi nhánh NXB Kim Đồng tại TPHCM, cho biết: “Dòng Artbook ra đời nhằm đáp ứng nhóm đối tượng bạn đọc có mối quan tâm đặc biệt đến phần hình ảnh - ở đây là tranh vẽ. Vì thế, phần hình ảnh trong sách vừa chuyên chở một phần nội dung vừa phải đáp ứng các tiêu chí nghệ thuật: Đề cao tính biểu cảm, gợi liên tưởng và chiều sâu suy nghĩ, chứ không chỉ để xem cho đẹp mắt. Vì đối tượng của Artbook chuyên biệt như thế, nên sức mua hiện nay ở mức tương đương với các dòng sách khác như picture book hay văn học chẳng hạn, chứ không phổ thông như thể loại comic (truyện tranh)”.

Gần đây nhất, NXB Kim Đồng vừa ra mắt cuốn sách Thiện và Ác và Cổ tích, theo phong cách artbook, khai thác những câu chuyện trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Các truyện cổ hòa quyện cùng những bức tranh khổ lớn của các họa sĩ trẻ đương đại như một bộ sưu tập tranh ấn tượng. 16 họa sĩ là 16 phong cách biểu đạt khác nhau, tạo nên sự cộng hưởng đặc biệt, mang đến hiệu quả tiếp nhận mới cho toàn bộ ấn phẩm.

Trong buổi ra cuốn sách này, khi được hỏi về cuốn sách cũng như phong cách Artbook, nhà thơ Cao Xuân Sơn, Phó Giám đốc NXB Kim Đồng, cho biết: “Ngay từ đầu, việc đầu tư cho một cuốn sách như Thiện và Ác và Cổ tích là một ý tưởng táo bạo. Chúng tôi không nghĩ đến việc tiêu thụ hay ăn khách gì trước mà trước hết đây là cuộc chơi của giới cầm bút và giới cầm cọ. Đây là dòng sách tương đối mới đang ít được thực hiện ở Việt Nam. Trong đó, vai trò của người biên tập phải là người trong cuộc, giống như một người chỉ huy dàn nhạc, biết điều phối các bè, biết chuyển tông của các nhạc cụ tạo ra bản giao hưởng màu sắc về nội dung”. 

Tìm đường xuất khẩu

NXB Kim Đồng được xem là đơn vị tiên phong trong việc đầu tư thực hiện sách Artbook. Trước Thiện và Ác và Cổ tích, đơn vị này từng thực hiện một số ấn phẩm thuộc thể loại này như: Những nàng công chúa bí ẩn của Khoa Lê, Hành trình đầu tiên của Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên, Lĩnh Nam chích quái của Tạ Huy Long… Ngoài Kim Đồng, thị trường xuất bản còn ghi nhận sự tham gia của nhiều tác giả và đơn vị theo xu hướng ngày càng sôi động với những ấn phẩm như: Tuyệt đỉnh sinh vật của Lê Mai Anh, Những kẻ mộng mơ của Dzung Yoko, Lê la quà vặt và Ăn quà xuyên Việt của cặp đôi Trương Quý - Đặng Hồng Quân, Vùng đất thần tiên của Trọng Lee… 

Có một thực tế là sách Artbook được in đẹp, công phu và thường là in màu. Việc giá thành sản xuất cao khiến giá bìa cũng phải “đội” lên theo; điều này cũng khiến độc giả e dè trong việc mua sách. Tuy nhiên, theo anh Vũ Chí Hiếu, giá bìa không phải là vấn đề lớn. Bởi một lẽ, bạn đọc đến với Artbook vốn dĩ có sẵn gu thẩm mỹ cao. Yếu tố quyết định là chất lượng bản sách. Còn đại diện của Phương Nam cũng cho rằng, sức mua của dòng sách Artbook vẫn ổn định như các cuốn sách khác, không có gì mắc; thậm chí dòng Artbook nhấn mạnh vào yếu tố art (nghệ thuật) nên người mua nhiều.

Anh Hiếu cho biết: “Chúng tôi hiện đang ở bước khởi đầu của việc tạo ra dòng Artbook Việt Nam. Artbook đòi hỏi chất xám cao, từ ý tưởng, khả năng sáng tạo cho đến tư duy táo bạo của nhà văn và họa sĩ. Thoạt trông, dòng sách này có vẻ mang tính sáng tạo bay bổng; kỳ thực, nó đòi hỏi tính gắn kết kỹ thuật rất cao. Hiện nay ở Việt Nam không có ngành chế tác riêng cho Artbook (bao gồm chuỗi liên hoàn ngành in, ngành gia công, ngành nhập khẩu nguyên vật liệu - bởi đôi khi sách Artbook không nhất thiết phải in trên giấy). Như vậy, khó khăn bủa vây chúng tôi mọi phía. Chúng tôi cần thời gian để mọi khâu hoàn thiện đồng bộ”.

Dù còn nhiều khó khăn như vậy nhưng anh Vũ Chí Hiếu vẫn tự tin cho rằng, dòng sách Artbook ở Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển. “Dòng sách cao cấp này thúc đẩy tài năng người sáng tác cùng những ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đi kèm. Đáp ứng nhu cầu thưởng lãm sách chưa bao giờ là việc đơn giản, nên chúng tôi không đặt ra kế hoạch gì to tát, ngoài việc kiên trì học hỏi và từng bước thực hành trên các xuất bản phẩm của Kim Đồng”, anh nói.

Theo đại diện Phương Nam, đơn vị này đầu tư vào dòng sách Artbook không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn bán ra thị trường nước ngoài: “Dòng sách Artbook không quá khó để chuyển ngữ, quan trọng là công tác chào hàng các đối tác bên ngoài. Chúng tôi có định hướng xuất khẩu và thực sự dòng sách này hoàn toàn có tiềm năng để làm việc này”.

Nhận định của Phương Nam hoàn toàn có cơ sở, bởi nội lực sáng tạo của các tác giả Việt Nam không thua kém so với các tác giả nước ngoài. Trên thực tế, một số tác giả Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường quốc tế thông qua những ấn phẩm Artbook. Điển hình như tác phẩm Những nàng công chúa bí ẩn của Khoa Lê từng được NXB Nuinui của Ý mua bản quyền và phát hành ở nước ngoài, trước khi NXB Kim Đồng phải trả một chi phí không nhỏ để có thể phát hành trong nước dù Khoa Lê hiện đang là họa sĩ của đơn vị này. Năm vừa rồi, hai tác giả Phạm Quang Phúc và Hoàng Ngọc Đoan Trang cũng vừa giành được giải nhất hạng mục tranh minh họa cho thể loại sách hư cấu tại cuộc thi Sáng tác tranh minh họa cho trẻ em ASEAN (ICCRF 2018). 

Đánh giá chung về dòng sách Artbook trong thời gian tới, nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang dự báo: “Đây là dòng sách mới của thị trường, mới chỉ manh nha và phát triển trong khoảng vài năm gần đây. Năm 2019 này rất có thể sẽ trở thành dòng sách chủ đạo”.

Theo anh Vũ Chiếu Hiếu, Trưởng phòng Kỹ - Mỹ thuật chi nhánh NXB Kim Đồng tại TPHCM: Đối với Artbook ngoài nội dung và hình thức, khâu chế tác cực kỳ quan trọng. Những người thực hiện phải chăm chút từ chất liệu, công nghệ in, cũng như hàng loạt khâu gia công khác. Trên thế giới từ xưa đến nay, một Artbook cao cấp có thể tiệm cận tầm mức của một vật phẩm quý, được chế tác tinh xảo bằng tay, thậm chí một vài chi tiết đặc biệt trong bức tranh in được dát vàng là chuyện bình thường. Người đọc dễ dàng nhận thấy sự khác biệt của một sản phẩm được chế tác khéo léo với một cuốn sách hình in ấn và đóng gói qua loa.

Tin cùng chuyên mục