Săn mối cùng người K’Ho

Mặt trời chớm gác non Tây, tôi đã trang bị chỉnh tề, chuẩn bị cho hành trình theo chân người K’Ho vào rừng tìm mối.
Săn mối cùng người K’Ho

Mặt trời chớm gác non Tây, tôi đã trang bị chỉnh tề, chuẩn bị cho hành trình theo chân người K’Ho vào rừng tìm mối.

1. Khởi hành từ bon Tràng Woạt (xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), chạy theo con lộ liên xã chừng 20 phút bằng xe gắn máy, chúng tôi đã có mặt tại cửa rừng Bơnơm lơòng, thuộc địa phận xã Hòa Bắc của huyện Di Linh, nơi mà người dân K’Ho vẫn thường tìm đến bắt mối.

Chị Ka Trim, một “chuyên gia” săn mối (k’nàp), cho biết: “K’nàp chỉ rời tổ khi có tiết trời nắng ráo. Còn những ngày mưa, nếu ra ngoài sẽ bị nặng cánh, nên chúng thường nằm im trong tổ”. Rồi chị bắt đầu thao thao kiến thức về mối: “Mối có nhiều loại. Ngoài bơtau k’nàp (mối chúa), mối lính và mối thợ, còn có k’nàp brùng và k’nàp byae... K’nàp brùng không ăn được, thường dùng làm mồi câu cá”.

Theo chị Ka Trim, khi những cơn mưa thôi không còn dai dẳng nữa, thay vào đó là cái lạnh se và thi thoảng có chút nắng ấm áp ở các cánh rừng Tây Nguyên, đồng bào K’Ho thường tụ tập thành từng nhóm, hăm hở rủ nhau đi bắt mối. “Nếu gặp hôm mới mưa xong, phải đợi thêm 2 - 3 ngày nữa mới đi bắt mối. Thông thường, mối bắt đầu bay ra khỏi tổ vào tầm 2 giờ chiều. Nhưng thời điểm mối ra ngoài nhiều nhất là lúc trời xẩm tối”, chị Ka Trim trao đổi.

Tất nhiên, đã là thợ săn mối, ngoài khả năng phát hiện tổ mối giỏi, kỹ năng bắt mối cũng đạt đến trình độ thượng thừa giữa bạt ngàn rẫy cà phê. Len lỏi trong mênh mông vườn cà phê chưa đầy 10 phút, đã thấy chị Ka Trim chỉ tay về phía một cái ụ đất đùn lên dưới lớp lá cỏ khô mục: “Đấy! Bơtul k’nàp (tổ mối) đấy!”. Nói xong, chị nhanh chóng triển khai các thao tác để bắt mối một cách rất điệu nghệ khi nhanh chóng 5 - 6 cái rút (dụng cụ đan bằng nan tre chuyên dùng để bắt mối) đã được chị đặt xong. Thấy có động, từng đàn mối lính, mối thợ bay ra tua tủa. Chúng giương càng ra oai để bảo vệ hang ổ và mối chúa, nhưng đều bị dính vào rút.

Bập điếu thuốc sâu kèn to sụ quấn bằng lá nha pồt jrào (một loại lá rừng, gần giống thuốc rê), rồi phả khói phà phà vào tổ mối, anh K’Nuys, một thợ săn mối có thâm niên ở bon Tràng Woạt, quay sang nhìn tôi, bảo: “15 phút nữa, lũ mối sẽ bắt đầu bay ra”. Quả nhiên, đàn mối sau khi say thuốc đứ đừ, bay tán loạn rồi chui tọt vào trong rút. Chỉ đợi có thế, anh K’Nuys đã bắt toàn bộ số mối bỏ vào trong rơđọ (túi đan bằng sợi cói) một cách gọn gàng và nhanh chóng. Tiếp tục thổi, lại bắt. Cứ thế, lặp đi lặp lại chừng 3 - 4 lần, anh K’Nuys bắt đầu thay những cái rút bằng tấm vải mùng.

Mải mê dõi theo những động tác phả khói bắt mối của anh K’Nuys, tôi không hay biết trời đã bắt đầu nhá nhem tối. “Trong điều kiện thiếu ánh sáng, tấm vải mùng là giải pháp phù hợp để bắt nốt những con mối còn lại”, anh K’Nuys vừa giăng mùng vừa giải thích.

Nhìn cái cách người K’Ho bắt mối đầy kinh nghiệm và cần mẫn, nhưng không bao giờ đụng đến bơtau k’nàp (mối chúa) khiến tôi phải suy nghĩ. Thời gian gần đây, trước cơn sốt đặc sản về loại côn trùng này ở các nhà hàng nhằm phục vụ nhu cầu của những đại gia lắm tiền, nhiều của (nghe đâu những con bơtau k’nàp là phương thuốc đặc trị chứng bất lực ở đàn ông?), không ít người đã bất chấp nguy hiểm, truy lùng mối chúa theo kiểu tận diệt, để đổi lấy 15 - 20 ngàn đồng mỗi con, nhưng cộng đồng đân tộc K’Ho vẫn giữ nguyên cách hành xử rất văn minh vì lẽ đơn giản: “Không còn mối chúa, đàn mối chẳng thể nào tồn tại được”.

Thổi khói thuốc vào tổ mối

2. Ánh nắng cuối chiều chợt lóe lên như lời nhắc nhở rằng ngày đã cạn. K’Nuys triển khai nốt những kỹ năng bắt mối lần cuối, còn tôi và chị Ka Trim vội thu gom dụng cụ, chuẩn bị rời “chiến trường”. Mặc dù khá thấm mệt, nhưng nhìn rơđọ nặng trĩu những con k’nàp, chúng tôi ai cũng rạng rỡ. Dĩ nhiên, ở Bơnơm lơòng không chỉ có chúng tôi bắt mối, mà nhiều người địa phương cũng khoái món ăn này lắm. Cô Ka Rệu, một trong những thợ bắt mối ở địa phương, mở rơđọ cho tôi xem bên trong đựng gần 5kg mối. “Thợ săn giỏi, một ngày bắt 5 - 6kg mối là chuyện bình thường. Giá 1kg mối khoảng 100.000 đồng nhưng dân tộc K’Ho chúng tôi không đặt nặng vấn đề kinh tế, việc bắt mối chỉ để đáp ứng nhu cầu về ẩm thực”, cô Ka Rệu nói.

Trở về Tràng Woạt, dân trong bon rất vui với những chiến lợi phẩm kiếm được. Mọi người cười nói rổn rảng rồi chia cho nhau những con mối béo ngậy. Còn tôi lặng lẽ  quan sát cách dân bon ứng xử với sản vật và thoáng ngạc nhiên trước nhận thức có phần “đi trước thời đại” của cộng đồng dân tộc thiểu số nơi đây. Trong nếp nghĩ, nếp cảm của người dân K’Ho, sự tư hữu dường như chưa từng xuất hiện. Nếu có, chỉ xảy ra ở một vài người, vài nơi. Còn lại đa số vẫn giữ nguyên lối sống cộng cảm, cộng cư. Nghĩa là cùng làm, cùng ăn và cùng thụ hưởng. Từ những con mối bắt được, người K’Ho có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, như: rang, xào, hấp, chiên... tùy sở thích và khẩu vị từng người. Còn tôi chọn cho mình món đơn giản và dễ làm nhất: mối rang muối vì chỉ cần bỏ một ít mối vào trong pơlơ (loại túi nhỏ đan bằng sợi cói), lắc nhẹ cho mối rụng hết cánh, rồi đổ ra cái đoòng (giống cái mẹt) để sàng, sảy loại bỏ cánh. Sau đó cho mối vào cái xoong, thêm tí nước rồi bắc lên bếp đang đỏ lửa. Đun gần cạn nước mới nêm nếm thêm muối cho vừa miệng. Tiếp tục đun thêm 5 phút nữa thì tắt bếp và bắt đầu... chén.

Với món mối rang muối, xưa kia đồng bào K’Ho còn dự trữ cho những ngày khan hiếm thực phẩm bằng cách đem phơi 1 - 2 nắng cho khô, rồi bỏ vào dinh dor (ống nứa) và gác trên sàn bếp, 5 - 6 tháng sau lấy ra chế biến vẫn giữ nguyên mùi vị rất đặc biệt, không lẫn vào đâu được. “Mỗi lần nấu nướng, chỉ cần lấy một ít mối trong ống nứa mang ra chế biến là đã có được nồi canh bầu, canh bí hoặc canh rau bép ngon tuyệt!”, anh K’Nuys tình thật.

Trong căn nhà gỗ nhỏ, ngọn đèn điện vẫn điềm nhiên tỏa sáng. Gió đêm thoang thoảng thổi, tôi ngồi bó gối thưởng thức món mối rang muối, chiến lợi phẩm của một chiều lang thang cùng người bản địa K’Ho quần thảo giữa rừng già, đúng hơn là giữa bạt ngàn rẫy cà phê. Ngoài vườn, gió khuya vẫn dìu dặt, mênh mông.

TRỊNH CHU

Tin cùng chuyên mục