Sẵn sàng triển khai tiêm phòng vaccine Covid-19

Về lộ trình tiêm vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, đến cuối tháng 4 sẽ có khoảng 1 triệu liều vaccine về Việt Nam. Bộ Y tế đã sẵn sàng tất cả khâu chuẩn bị triển khai việc tiêm phòng Covid-19. 

Chiều tối 3-3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày cả nước có thêm 10 ca mắc Covid-19 (từ ca bệnh thứ 2.473 đến 2.482) trong đó có 5 ca ghi nhận tại Hải Dương và 5 ca là người nhập cảnh được cách ly ngay tại Kiên Giang và Bình Dương. Tính đến tối cùng ngày, Việt Nam đã có 1.566 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số ca mắc mới tính từ ngày 27-1 tới nay là 873 ca.  

Liên quan tới lô vaccine Covid-19 đầu tiên (117.600 liều) của AstraZeneca, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, cơ bản đã được thẩm định xong, chỉ còn phiếu kiểm định chất lượng của Hàn Quốc.

“Chúng tôi đang hối thúc phía Hàn Quốc chuyển kết quả kiểm định chất lượng lô vaccine này, hy vọng cuối tuần sau nhận được và sẽ triển khai ngay việc tiêm vaccine”, ông Trương Quốc Cường nêu rõ. Về lộ trình tiêm vaccine, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, đến cuối tháng 4 sẽ có khoảng 1 triệu liều vaccine về Việt Nam. Bộ Y tế đã sẵn sàng tất cả khâu chuẩn bị triển khai việc tiêm phòng Covid-19. 

Ngày 3-3, bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, cho biết, đến thời điểm này, CDC Đà Nẵng đã lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho khoảng 6.700/7.000 cán bộ, nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch theo kế hoạch. Tất cả các mẫu đều có kết quả xét nghiệm âm tính. 

* Kiểm soát chặt người nhập cảnh để phòng chống dịch

Cùng ngày, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết, tình hình dịch Covid-19 ở nước bạn Campuchia diễn biến phức tạp, trong khi đó có 2 tỉnh giáp ranh An Giang là Đồng Tháp và Kiên Giang đã xuất hiện ca dương tính virus SARS-CoV-2 (chủ yếu là người đi lao động ở Campuchia nhập cảnh về Việt Nam). Do đó, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn nếu không tăng cường phòng chống, đề cao cảnh giác.

Theo đó, UBND tỉnh đề nghị các địa phương, các ban ngành tăng cường vận động để mọi người dân cùng nâng cao ý thức và phát động phong trào “toàn dân cùng chống dịch”. Các địa phương thành lập đội phòng chống dịch lưu động, rà soát những người lạ mặt đến địa bàn, kiên quyết xử phạt vi phạm quy định phòng chống dịch. UBND tỉnh cũng yêu cầu tạm dừng loại hình karaoke di động, loa kẹo kéo nhằm tránh việc tập trung đông người. 

Ông Trần Hòa Hợp, Chủ tịch UBND huyện An Phú (An Giang), nhìn nhận, từ Tết Tân Sửu đến nay hầu như ngày nào cũng có trường hợp nhập cảnh trái phép. Mặc dù huyện tăng cường lực lượng chốt chặn, kiểm soát chặt biên giới nhưng số lượng người nhập cảnh trái phép vẫn phức tạp. Hiện huyện tập trung lực lượng kiểm soát khu vực biên giới xuyên suốt ngày đêm… Trong khi đó, chỉ riêng ngày 2-3, Bộ đội Biên phòng An Giang đã bàn giao 12 trường hợp nhập cảnh trái phép cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương đưa đi cách ly tập trung. 

Chiều 3-3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Kiên Giang cho biết, vừa ghi nhận thêm 2 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, đều nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên vào ngày 27-2 và được cách ly ngay. Trước tình hình diễn biến dịch phức tạp, TP Hà Tiên duy trì 41 chốt chặn phòng chống dịch ở tuyến biên giới trên bộ và trên biển. Thống kê từ ngày 1-1 đến 1-3, TP Hà Tiên cách ly tập trung 2.270 người. Hiện còn cách ly tập trung 480 người.

Làm việc với TP Hà Tiên, ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, đề nghị TP Hà Tiên tiếp tục phát huy tinh thần phòng chống dịch quyết liệt hơn, không được chủ quan, lơ là. Phải xác định TP Hà Tiên ở trạng thái có dịch, rất nguy hiểm nếu không có biện pháp tốt, quyết tâm cao, dứt khoát không để lây lan ra cộng đồng; đặc biệt không để dịch lây lan trong lực lượng đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19. 

Ngày 3-3, tại cửa khẩu quốc tế Thường Phước (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), đoàn công tác của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp trao tặng các vật dụng cần thiết cho các đơn vị tại Campuchia để phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ các đơn vị ở tỉnh Prayveng, tỉnh Banteay Meanchey (Campuchia)… khoảng 100.000 khẩu trang y tế, 1.200 chai nước rửa tay sát khuẩn, nhiều dụng cụ phục vụ phòng chống dịch Covid-19… với kinh phí hơn 100 triệu đồng.

Tin cùng chuyên mục