Sắp có “làn sóng” 4G

Hiện trên các thiết bị di động như điện thoại di động, máy tính bảng… các hãng sản xuất đã “dọn sẵn” kết nối 4G trên các thiết bị này. Ngay tại Việt Nam, một số doanh nghiệp viễn thông cũng đã được phép triển khai thử nghiệm công nghệ 4G.
Sắp có “làn sóng” 4G

Hiện trên các thiết bị di động như điện thoại di động, máy tính bảng… các hãng sản xuất đã “dọn sẵn” kết nối 4G trên các thiết bị này. Ngay tại Việt Nam, một số doanh nghiệp viễn thông cũng đã được phép triển khai thử nghiệm công nghệ 4G.

  • 4G không xa lạ

Hiện 5 doanh nghiệp trong nước gồm VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC và VTC được thử nghiệm mạng di động 4G. Theo Bộ TT-TT, các doanh nghiệp có thời gian thử nghiệm công nghệ 4G trong thời hạn 1 hoặc 2 năm để đánh giá công nghệ và nhu cầu của người sử dụng tại Việt Nam. Cụ thể hơn, Viettel là nhà mạng di động đầu tiên cho phép khách hàng thử nghiệm trên nền 4G các dịch vụ chính: HD VOD (video độ nét cao theo yêu cầu), IPTV HD (truyền hình Internet độ nét cao), video conference (hội nghị truyền hình)...

Nhiều nước trên thế giới đã giới thiệu 4G một cách rầm rộ.

Nhiều nước trên thế giới đã giới thiệu 4G một cách rầm rộ.

Với băng thông được cấp phát thử nghiệm là 10MHz, mạng 4G thử nghiệm của Viettel đạt đến tốc độ lớn nhất 71,6 Mbps với đường tải về và 23,19 Mbps với đường tải lên. Theo nhà mạng này, các chỉ số về tốc độ, độ trễ, khả năng thiết lập hoàn toàn đáp ứng được các dịch vụ yêu cầu chất lượng và tốc độ cao nhất. Công ty FPT Telecom và Trung tâm Điện toán và truyền số liệu VDC - đơn vị được VNPT giao thử nghiệm 4G cũng cho biết kết quả thử nghiệm 4G là rất khả quan, hoàn toàn đáp ứng tốt các dịch vụ truyền dữ liệu tốc độ cao...

Các chuyên gia viễn thông cũng cho biết thêm, hiện nay một số công nghệ “đình đám” như LTE (Long-Term Evolution), UMB (Ultra Mobile Broadband), IEEE 802.16m (WiMAX II) được xem là các công nghệ tiền 4G. Đó sẽ là các công nghệ làm sở cứ để xây dựng nên chuẩn 4G trong tương lai. Theo Ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, VNPT đang tiến hành thử nghiệm WiMax, một công nghệ giống như 4G khá tốt và thành công nhưng việc ứng dụng còn nhiều vấn đề phải tính đến như khách hàng, thị trường, công nghệ... “Với hạ tầng viễn thông thì không có khó khăn gì, nhưng vấn đề là nhu cầu của người tiêu dùng”, ông Việt cho biết thêm như vậy.

  • Hướng đến nhóm khách hàng mới

Các nhà mạng di động trong nước đang cung cấp dịch vụ 3G ở mức tốc độ 7,2 Mbps - 14,4 Mbps. Thực tế cho thấy, đối với các khu vực có mật độ người sử dụng cao như TPHCM, Hà Nội... thì tốc độ này chỉ đáp ứng nhu cầu truy nhập căn bản. Còn qua một số nghiên cứu thị trường cũng cho thấy, hiện tại nhu cầu sử dụng của người dùng phần lớn tập trung vào các dịch vụ video, âm nhạc, hình ảnh với xu hướng đạt chất lượng cao hơn, chẳng hạn chuẩn độ nét cao HD, nên đây là thị phần dịch vụ 4G nhắm tới.

Có thể thấy rõ, các ứng dụng có thể kể đến của 4G là: hội nghị truyền hình, HDTV, truy nhập internet băng tần rộng, giải trí trực tuyến... Với các dịch vụ này, người sử dụng có thể download một bộ phim chỉ trong 5, 6 giây và gửi 100 bài hát chỉ mất 2,4 giây. Các cuộc thử nghiệm cho thấy, 4G cho phép truyền dữ liệu tốc độ 1Gb/giây trong trạng thái tĩnh và 100Mb/giây trong trạng thái động. Chính vì thế, các chuyên gia viễn thông khẳng định, với băng thông rộng “vô biên”, 4G cho phép tải các truyền tải các dữ liệu, âm thanh và hình ảnh động với chất lượng cao, nét và với thời gian nhanh tới chóng mặt.

Trước đây, khi bắt đầu thử nghiệm công nghệ 4G, nhiều chuyên gia công nghệ đã bày tỏ lo ngại về thiết bị đầu cuối và xa hơn, khi 3G vừa triển khai, nhiều người cũng lo ngại không phải người sử dụng di động nào ở Việt Nam cũng có đủ điều kiện để “xài” 3G về thiết bị đầu cuối lẫn giá gói cước… Đến nay, vấn đề này này đã không thành vấn đề. Cước 3G chỉ vài ba chục ngàn đồng/30 ngày, ai ai cũng dùng smartphone. Và hiện nay, thiết bị đầu cuối có tích hợp 4G cũng nhiều vô số kể, giá thiết bị cũng không phải cao so với bộ phận người có nhu cầu thực sự. Cho nên các chuyên gia công nghệ cho rằng, việc tìm hiểu, thử nghiệm 4G ở nước ta vẫn cần và nên làm nhưng phải tính toán đúng thời điểm mới đưa vào ứng dụng. Hiệp hội Internet Việt Nam còn nhận định, sự xuất hiện của 4G sẽ giúp cộng hưởng thêm khả năng đáp ứng nhu cầu kết nối Internet tại Việt Nam chứ không hề loại trừ các công nghệ đã có.

4G, hay 4-G (fourth-generation), là công nghệ truyền thông không dây thứ tư, cho phép truyền tải dữ liệu với tốc độ tối đa trong điều kiện lý tưởng lên tới 1 cho đến 1,5 Gb/giây. Tên gọi 4G do IEEE (Institute of Electrical and Electronics Engineers) đặt ra để diễn đạt ý nghĩa “3G và hơn nữa”. Công nghệ 4G được hiểu là chuẩn tương lai của các thiết bị không dây. Các nghiên cứu đầu tiên của NTT DoCoMo (hãng viễn thông của Nhật) cho biết, điện thoại 4G có thể nhận dữ liệu với tốc độ 100 Megabyte/giây khi di chuyển và tới 1 Gb/giây khi đứng yên, cho phép người sử dụng có thể tải và truyền lên hình ảnh động chất lượng cao.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục