Sẽ có tổng chủ biên chương trình sách giáo khoa phổ thông mới

Dạy ngoại ngữ: Sẽ không còn “tắm ao nhà”
Sẽ có tổng chủ biên chương trình sách giáo khoa phổ thông mới

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận:

(SGGPO). – Sáng 13-6, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận. Phần trả lời sáng nay, Bộ trưởng tiếp tục đề cập đến vấn đề đổi mới chương trình sách giáo khoa (CT-SGK) phổ thông, việc đào tạo ngoại ngữ, chất lượng sinh viên...

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn của ĐBQH. Ảnh: Lã Anh

Dạy ngoại ngữ: Sẽ không còn “tắm ao nhà”

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) chất vấn, ngày nay ngoại ngữ là cánh cửa mở ra thế giới, là yêu cầu hàng đầu của các nhà tuyển dụng nhưng hiện nay, phần lớn học sinh Việt Nam không đạt kỹ năng cần thiết, trừ những gia đình có điều kiện cho con em học ở các trung tâm ngoại ngữ. "Đổi mới giáo dục phổ thông sắp tới, Bộ có đặt mục tiêu học sinh học xong phải sử dụng được ngoại ngữ hay không?". Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời, tới đây việc dạy ngoại ngữ sẽ chú trọng toàn diện 4 kỹ năng: nghe- nói- đọc- viết. Sẽ có chuẩn trình độ ngoại ngữ cho từng cấp học. Chuẩn này được xây dựng có tham chiếu khung năng lực trình độ của châu Âu, tức là có hội nhập chứ không “tắm ao nhà” như các chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C của chúng ta trước đây nữa.

Trước đó, trả lời ĐB Nguyễn Thị Hương Thảo (Hải Dương), người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, việc dạy và học ngoại ngữ đang dần thay đổi, mục đích là để sử dụng được ngoại ngữ trong cuộc sống chứ không phải để lấy chứng chỉ. Sắp tới sẽ có chương trình truyền hình giáo dục, trong đó có dạy ngoại ngữ để giúp học sinh ở khắp mọi miền được học giáo viên dạy ngoại ngữ chuẩn.

Cũng theo chất vấn của ĐB Nguyễn Ngọc Hòa, cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hình thành cuối năm 2015, lao động sẽ dịch chuyển mạnh mẽ, vậy ngành giáo dục đã chuẩn bị cho việc đào tạo nguồn nhân lực ra sao. Theo Bộ trưởng, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT cùng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tích cực xây dựng khung tham chiếu các trình độ ASEAN, đã ban hành khung trình độ quốc gia, đã ký kết các thỏa thuận công nhận trình độ đào tạo giữa Việt Nam mà một số nước.Điều này để tạo điều kiện cho quá trình chuyển dịch nhân lực trong tương lai.

Sẽ tránh những sai sót về đổi mới SGK trước đây

ĐB Ngô Ngọc Bình (TPHCM) chất vấn: có phải hiện nay đang thiếu những người có năng lực để tham gia biên soạn CT-SGK. Ưu việt của CT-SGK giáo dục phổ thông mới là gì và bao giờ sẽ công bố chương trình này? Làm sao để thu hút chất xám xã hội vào việc biên soạn này? Hiện nay chúng ta đang thiếu sự liên thông giữa các cấp học, đây là nguyên nhân khiến học sinh thi chuyển cấp phải học thêm để thi?.Điều này sẽ khắc phục ra sao trong đề án đổi mới giáo dục phổ thông mới?.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, ở các nước phát triển họ có các chuyên gia, viện nghiên cứu chuyên làm SGK. Còn ở Việt Nam, từ trước đến nay mỗi lần thay đổi SGK là phải huy động những người có trình độ, có kinh nghiệm viết sách để làm. Lần này cũng vậy, Bộ đã làm việc với các trường, các sở, hội khoa học để lựa chọn, giới thiệu người viết sách. Đến nay đã lựa chọn được 200 người để cử đi đào tạo viết SGK. Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia (đầu tháng 7), Bộ GD-ĐT sẽ công bố chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến toàn xã hội. Chương trình này theo Bộ trưởng là đã qua nhiều vòng “chấm điểm” của các chuyên gia, nhà khoa học. “Ưu việt của đề án đổi mới CT-SGK lần này là khắc phục tính hàn lâm, chuyển từ dạy kiến thức sang đào tạo năng lực học sinh”.

Trả lời thắc mắc của ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) về  "Ai sẽ là nhạc trưởng của CT-SGK phổ thông mới?" Bộ trưởng cho biết, lần này sẽ có Tổng chủ biên toàn CT-SGK phổ thông và và chủ biên của từng cấp học, môn học. Nói nôm na là có tổng chủ biên cả chiều dọc-ngang để hài hòa, tránh những sai sót như trước đây về việc không có sự liên thông, liên kết giữa các cấp học.

ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) cho rằng, 10.000 sinh viên ra trường không có việc làm, rất lãng phí. Bộ chỉ quan tâm có bao nhiêu học sinh tốt nghiệp THPT đỗ đại hoc, coi đó là thành tích của từng trường, còn công tác hướng nghiệp thì bỏ ngỏ?. Giải pháp nào để hướng nghiệp ở trường phổ thông?. Bộ trưởng thừa nhận điều này và cho biết, tới đây đề án đổi mới giáo dục phổ thông sẽ thiết kế theo hướng học hết lớp 9 là có đủ kiến thức nền tảng. 3 năm THPT sẽ phải tiếp cận nghề nghiệp, có những bước chuẩn bị cơ bản để bước vào đại học, nghĩa là ngay ở THPT sẽ có định hướng nghề nghiệp.

Bỏ thi lớp 6:  tâm lý hụt hẫng ban đầu

ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) cũng cho rằng, lệnh bỏ thi lớp 6 của Bộ GD-ĐT có thể hạn chế học thêm. Nhưng gây khó khăn cho các trường chất lượng cao tuyển sinh? Trong khi đó, có nhiều trường ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu, gây lãng phí và ảnh hưởng chủ trương xã hội hóa giáo dục?

Trả lời điều này, Bộ trưởng khẳng định, từ trước nay,  chủ trương của chúng ta đã khẳng định không có trường chuyên lớp chọn, nhưng vẫn có biến tướng ở THCS. “Triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, chúng tôi khẳng định lại việc phải bỏ trường chuyên lớp chọn, không tổ chức thi vào lớp 6 để tránh căng thẳng cho học sinh”. Theo Bộ trưởng, bỏ thi lớp 6 có gây lúng túng ở một số trường. Nhưng sau khi có chỉ đạo của Bộ, yêu cầu các trường lập phương án để UBND tỉnh, thành phê duyệt phương án phù hợp với từng địa bàn thì đến nay, vấn đề tuyển sinh vào lớp 6 ở những nơi có biến tướng về trường chuyên lớp chọn cơ bản đã giải quyết xong. Ví dụ ở Hà Nội nhiều trường chất lượng cao như Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Siêu, Amtesdam.. đã hoàn thành việc tuyển sinh. Đà Nẵng đã chuyển trường chuyên Nguyễn Khuyến thành trường bình thường. Một số nơi thực hiện tuyển sinh công khai, minh bạch nên nhận được sự đồng tình của người dân. Đây chỉ là những khó khăn ban đầu, chủ yếu do thói quen, tâm lý hẫng hụt của một số gia đình.

Quan tâm đến kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội vừa qua, ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) đề nghị, có thể áp dụng kỳ thi đánh giá năng lực như của ĐHQG Hà Nội trên phạm vi cả nước vào các năm sau hay không? Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, các trường đại học có quyền tự chủ tuyển sinh. ĐHQG Hà Nội là một trong số 150 trường có đề án tuyển sinh riêng trong năm 2015. Bộ GD-ĐT phê duyệt đề án này với tinh thần khuyến khích sự tự chủ, sáng tạo của các trường. Nếu đề án có sức lan tỏa thì đây là điều rất tốt.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:

Hy vọng lần đổi mới này sẽ không gây sốc


Qua chất vấn của các ĐB và phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá “GD-ĐT là quốc sách hàng đầu. Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, hiện đại hóa trên cơ sở chuẩn hóa phù hợp với thực tiễn của nước ta trong xu thế hội nhập là chủ trương rất lớn của Đảng, Nhà nước ta. Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhưng thực ra là có tính chất để nghe Bộ trưởng báo cáo về thực hiện chủ trương đó thông qua việc xây dựng đề án đổi mới CT-SGK, đổi mới thi cử, đánh giá tiểu học. Câu hỏi của ĐBQH vừa mang tính kiểm tra lại những gì Bộ đang làm nhưng cũng mang nhiều lo lắng về quá trình đổi mới này, từ việc xây dựng CT-SGK, đào tạo giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất, đổi mới thi cử có bảo đảm thuận lợi cho người dân và bảo đảm trung thực không, đổi mới đánh giá học sinh tiểu học có gì khó khăn?... Ngoài ra, các ĐBQH đã quan tâm nhiều vấn đề rộng hơn của lĩnh vực giáo dục: quản trị giáo dục đại học, nỗi bức xúc của xã hội về bạo lực học đường.. Những vấn đề mà ĐBQH đặt ra là rất sâu sắc, thể hiện được những trăn trở của cử tri. 

Bộ trưởng là người bám sát thực tiễn, đưa ra được những cam kết về đổi mới lần này hy vọng sẽ không gây sốc. Chúng ta ghi nhận tinh thần của Bộ trưởng, mong là nói được làm được. Quốc hội và cử tri rất tin ở Bộ trưởng nhưng vẫn còn nhiều lo lắng. Đổi mới phải căn bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu hội nhập, chuẩn hóa nhưng phải vững chắc, thận trọng, không gây ra tâm trạng bức bối, khó khăn, bức xúc cho xã hội đối với vấn đề lớn của toàn xã hội, vì nó ảnh hưởng tới từng gia đình, ảnh hưởng tới tương lai của đất nước.

Ngành giáo dục đã tích cực chuẩn bị cho quá trình đổi mới. Tuy nhiên, Bộ trưởng cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến của ĐBQH, lắng nghe ý kiến của đồng bào cử tri cả nước để triển khai tốt lần đổi mới này. Quốc hội chờ kết quả triển khai để có đánh giá cụ thể. Kỳ họp cuối năm hoặc cuối nhiệm kỳ Bộ GD-ĐT cần báo cáo Quốc hội lần nữa để đồng bào cả nước thấy được chúng ta đã triển khai vấn đề quốc sách hàng đầu ra sao. Chúng ta mong là xã hội không bị sốc, không có thêm khó khăn trong quá trình đổi mới này”.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục