Chứng khoán cuối năm

Sẽ kiểm soát dòng chảy... OTC

Sẽ kiểm soát dòng chảy... OTC

Thị trường OTC (chứng khoán chưa niêm yết) ở Việt Nam có giá trị vốn lên hàng chục tỷ USD, ước tính gấp đôi thị trường niêm yết. Cụ thể, hiện nay cả nước có trên 600 công ty đại chúng đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhưng chỉ 200 công ty niêm yết. Vì thế mà giá trị giao dịch của thị trường OTC cũng rất lớn, nhưng thời gian qua, giao dịch ở thị trường OTC bị thả nổi, không chịu sự quản lý của các cơ quan nhà nước. Sắp tới, UBCKNN triển khai quản lý giao dịch OTC, thị trường này sẽ đi vào nề nếp, lành mạnh?

OTC sẽ vào khuôn phép

Sẽ kiểm soát dòng chảy... OTC ảnh 1

Với cơ chế quản lý này, giao dịch chứng khoán ở thị trường OTC cũng sẽ vào “nề nếp” như chứng khoán niêm yết. Ảnh: C.H.

“Với chứng khoán đã niêm yết, mọi giao dịch được thông qua sàn và căn cứ vào đó để tính thuế thu nhập cá nhân. Còn với thị trường chứng khoán chưa niêm yết thì chẳng đánh thuế được vì các giao dịch do các bên tự thỏa thuận. Đó là sự bất cập!”- Vấn đề này luôn được nhắc đi nhắc lại trong các cuộc hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân gần đây.

Có lẽ khi Đề án quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết ra đời sẽ giải quyết được bất cập đó. Theo UBCKNN, tháng 11 sắp tới sẽ thí điểm tại một số doanh nghiệp dựa trên nguyên tắc tập trung, minh bạch và công khai, góp phần hạn chế nạn làm giá và giả mạo chứng từ diễn ra phổ biến thời gian qua.

Đến năm 2008, sẽ triển khai quản lý đồng loạt đối với tất cả các giao dịch của công ty chưa niêm yết. Khi đó, cổ phiếu OTC thay vì được mua bán trao tay trên thị trường tự do như hiện nay, sẽ phải đăng ký, lưu ký và giao dịch tập trung.

Theo đề án, muốn giao dịch trên sàn OTC, nhà đầu tư phải lưu ký chứng khoán, sau đó, nhà đầu tư có thể tự thỏa thuận giá với nhau, hoặc có thể đăng ký qua công ty chứng khoán để tìm đối tác. Mỗi nhà đầu tư được phép mở một tài khoản tại một công ty chứng khoán để giao dịch cho cả chứng khoán niêm yết và OTC. Giá trị giao dịch sẽ được các công ty chứng khoán nhập báo cáo kết quả vào hệ thống của trung tâm giao dịch chứng khoán để thanh toán thông qua trung tâm lưu ký.

Tuy nhiên, trong đề án thí điểm này không quy định khống chế về đơn vị giao dịch, không có biên độ dao động giá cũng như giá tham chiếu cho “chợ” OTC. Đặc biệt, nhà đầu tư được phép vừa mua vừa bán cùng một loại chứng khoán trong cùng một ngày giao dịch.

Hết đường lách...

“Việc mở rộng quyền mua-bán, không khống chế đơn vị giao dịch giúp cho các nhà đầu tư linh hoạt trong giao dịch”- ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó Giám đốc HASTC khẳng định. Nhưng ông Lê Đắc Sơn, Tổng Giám đốc Ngân hàng VPBank lại cho rằng cần phải có giá tham chiếu nhằm chống các giao dịch thao túng giá, chèn ép giá đối với các nhà đầu tư nhỏ. Vì nhiều người ví thị trường OTC hiện nay giống như cái chợ không đèn, không người người canh gác, mua bán thì thầm, chênh lệch giá quá lớn, nếu muốn quản lý, tránh làm giá thì phải có giá tham chiếu.

Đồng thời, giá tham chiếu còn là cơ sở cho các công ty chứng khoán tính phí. Và cũng nên quy định biên độ để tạo yên tâm cho cả người mua và người bán, tuy nhiên, biên độ này có thể rộng hơn so với thị trường niêm yết, khoảng 20%-30%.

Thực tế hiện nay, ngay trên thị trường niêm yết, nhiều nhà đầu tư còn tự móc nối, thỏa thuận với nhau hoặc bán giấy tay để tránh thuế, vì vậy, nếu quản lý thị trường OTC mà không có giá tham chiếu cũng như ấn định biên độ dao động, các nhà đầu tư dễ dàng thông đồng với nhau để giảm phí giao dịch. Chẳng hạn, mua một lô cổ phiếu tiền tỷ nhưng hai bên thỏa thuận chỉ công bố giá vài chục triệu đồng thì công ty chứng khoán mất đáng kể phí giao dịch.

Hơn ai hết, các công ty chứng khoán và công ty đại chúng rất ủng hộ chủ trương tổ chức và quản lý thị trường OTC. Vì quản lý thị trường OTC sẽ giúp minh bạch hóa, tăng khả năng thanh khoản cho cổ phiếu của công ty đại chúng, đồng thời giúp bảo vệ nhà đầu tư khỏi nguy cơ làm giá. Đồng thời, qua quản lý sẽ đưa hoạt động này vào qũy đạo chung, ổn định.

Với giá trị vốn hóa của thị trường cổ phiếu chưa niêm yết lớn, quy mô giao dịch nhiều, thì chỉ tính riêng thu phí môi giới và giao dịch cũng là mảng kinh doanh rất lớn và khá hời, thu tiền vào ngân sách nhà nước. Các quản lý này còn tạo luật chơi công bằng giữa các nhà đầu tư chứng khoán niêm yết và chưa niêm yết. Đây cũng là giải pháp giám sát thị trường, tiến tới một thị trường chứng khoán lành mạnh và phát triển bền vững về sau. 

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục