(SGGPO). - Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định ban hành Danh mục và phân công soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014.
Theo đó, sẽ có 6 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014 được soạn thảo, trình vào đầu năm 2015. Toàn bộ số văn bản này sẽ do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) chủ trì soạn thảo.
Tại quyết định này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ-TB và XH có trách nhiệm ưu tiên, tập trung bố trí đủ nhân lực và kinh phí cho việc nghiên cứu, soạn thảo các văn bản, bảo đảm chất lượng và đúng thời hạn trình Chính phủ. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ xây dựng kế hoạch nghiên cứu, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đối với từng văn bản; phân công, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng, trình văn bản.
Trước đó, khi trình dự thảo luật Giáo dục nghề nghiệp tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, dự thảo quy định Bộ LĐ-TB và XH chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, khi Quốc hội thông qua luật này, vấn đề giao Bộ nào quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa được Quốc hội thống nhất.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề này. Kết quả, trong tổng số 336 phiếu thu về, có 114/336 phiếu (chiếm tỉ lệ 34%) nhất trí giao cho Bộ LĐ-TB và XH làm đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; 99/336 phiếu (chiếm tỷ lệ 29,4%) đề nghị giao cho Bộ GD-ĐT.
Vì ý kiến đại biểu về vấn đề này còn chưa tập trung, không phương án nào được trên 50% đại biểu Quốc hội nhất trí. Do vậy, Quốc hội đã thông qua luật với nội dung giao cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và phân công cụ thể cơ quan thay mặt Chính phủ chịu trách nhiệm làm đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực này cho phù hợp với yêu cầu điều hành của Chính phủ trong từng thời kỳ.
Hiện nay giáo dục nghề nghiệp đang bị phân tách thành hai bộ phận do hai bộ thực hiện quản lý nhà nước, trong đó Bộ LĐ-TB-XH quản lý hệ thống dạy nghề gồm ba trình độ đào tạo sơ cấp nghề, trung cấp và cao đẳng nghề, Bộ GD-ĐT quản lý hệ thống trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng. Tuy nhiên, tới đây, sẽ hợp nhất 2 lĩnh vực này thành giáo duc nghề nghiệp.
PHAN THẢO