Quản lý đại lý Internet

Sẽ tiếp tục điều chỉnh nếu chưa phù hợp

Sẽ tiếp tục điều chỉnh nếu chưa phù hợp

Thông tư liên tịch số 02/2005 ngày 14-7-2005 của liên bộ Bưu chính - Viễn thông, Văn hóa - Thông tin, Công an, Kế hoạch - Đầu tư về quản lý đại lý Internet có quy định: đại lý Internet chỉ được hoạt động từ 6 giờ đến 24 giờ; người sử dụng phải có độ tuổi từ 14 trở lên, nếu dưới độ tuổi đó phải có người lớn đi kèm… Nhiều ý kiến cho rằng quy định này thiếu thực tế. Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó phòng Quản lý thông tin (thuộc Sở VH-TT TPHCM), đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo SGGP về vấn đề này.

- Phóng viên: Có nhiều ý kiến cho rằng, thông tư quy định thời gian và đối tượng khai thác Internet không khả thi, thiếu thực tế. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

Sẽ tiếp tục điều chỉnh nếu chưa phù hợp ảnh 1

- Ông Nguyễn Văn Khanh: Ngày 6-5-2004, UBND TPHCM đã có Quyết định 125/QĐ-UBND về việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với loại hình kinh doanh này. Thông tư liên tịch lần này cũng nhằm tăng cường việc kiểm tra, chấn chỉnh lại hoạt động của đại lý Internet, lành mạnh hóa việc truy cập các trang web của giới trẻ.

Để triển khai công tác này có hiệu quả, việc quy định thời gian mở cửa và đối tượng nào được vào đại lý Internet là việc bắt buộc phải làm. Quy định các đại lý Internet chỉ được hoạt động từ 6 giờ đến 24 giờ bị cho rằng không phù hợp, tuy nhiên, nếu cứ hoạt động suốt đêm thì không những địa phương rất khó quản lý, mà học sinh - sinh viên, công chức nói chung sẽ khó đảm bảo sức khỏe cho một ngày làm việc mới.

- Quy định trẻ em dưới 14 tuổi không được vào truy cập Internet công cộng, nếu vào phải có người lớn đi kèm để giám sát… Phụ huynh cho rằng, cách làm này chưa ổn, vì họ không thể theo sát để quản lý. Cấm là “cắt” đi cơ hội để trẻ em tiếp cận công nghệ thông tin?

- Theo tôi, cấm trẻ em dưới 14 tuổi vào các đại lý Internet là có cơ sở. Vì trên thực tế gần đây chúng tôi cũng đã đi khảo sát, phần đông các em dưới 14 tuổi vào các đại lý Internet là để chơi games, truy cập tìm tòi những trang web xấu là chính, chứ không phải để học hành, nghiên cứu.

Sẽ tiếp tục điều chỉnh nếu chưa phù hợp ảnh 2

Trẻ em truy cập Internet tại một điểm Internet công cộng.

Đặt ra việc gia đình giám hộ các em khi đến các điểm truy cập Internet công cộng làø cảnh báo gia đình phải chú ý con em mình ngoài giờ học tập. Chúng ta ủng hộ sự phát triển lành mạnh, chính vì thế trong những giai đoạn nhất định, phải có những biện pháp nhất định để quản lý. Cấm là để quản lý phù hợp chứ không nên hiểu là cắt cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin của các em.

- Vì sao cơ quan chức năng không đặt việc xử lý thật nặng những chủ đại lý Internet để xảy ra vi phạm, hơn là cấm các em dưới 14 tuổi…?

- TPHCM hiện có trên 2.000 đại lý Internet công cộng, nếu không có sự giám sát từ gia đình đối với các em thì việc quản lý chung sẽ rất khó đạt hiệu quả cao. Ở gia đình, hiện nay con số thuê bao Internet cũng không ít, phụ huynh không chỉ giám sát các em từ bên ngoài mà còn theo sát các em tại nhà để ngăn chặn các em truy cập vào các trang web đen.

Chúng tôi cũng cho rằng ngoài các vấn đề như đã nói ở trên, cái chính vẫn là quản lý, xử lý thật nặng đối với chủ đại lý Internet. Chính họ mới là người quyết định có cho hay không cho các em truy cập vào các trang web xấu. Có thể còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề trên. Theo tôi, hiện nay mọi việc mới bắt đầu, khi thực hiện nếu phát hiện điều gì chưa phù hợp sẽ tiếp tục điều chỉnh. 

HỮU THÁI

Tin cùng chuyên mục