Sinh động hình thức đưa luật gần dân

Tại Công viên Làng hoa Gò Vấp (TPHCM), sáng chủ nhật 13-11-2016 có đông người dân đến tham gia “Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam” năm 2016, do UBND quận Gò Vấp tổ chức. Một trong những phần thu hút sự quan tâm của mọi người là các gian hàng trò chơi về kiến thức pháp luật.
Sinh động hình thức đưa luật gần dân

Tại Công viên Làng hoa Gò Vấp (TPHCM), sáng chủ nhật 13-11-2016 có đông người dân đến tham gia “Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam” năm 2016, do UBND quận Gò Vấp tổ chức. Một trong những phần thu hút sự quan tâm của mọi người là các gian hàng trò chơi về kiến thức pháp luật.

Bắt thăm trúng câu hỏi về những hành vi bị cấm trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015), anh Võ Tiến Hùng (một người dân tham gia ngày pháp luật),  không chọn nội dung trả lời “mang thai hộ vì mục đích thương mại”. Tuy trả lời sai, không nhận được phần quà nhưng anh Hùng thấy vui vì biết thêm quy định của pháp luật.

“Trước giờ, tôi cứ nghĩ thuận mua vừa bán, hai bên đồng ý thì chuyện mang thai hộ rồi giao lại cho cha đứa trẻ, người mẹ được trả tiền công mang nặng đẻ đau là bình thường. Giờ mới biết làm vậy là vi phạm pháp luật. Hàng xóm của tôi chắc nhiều người chưa biết chuyện này, để tôi về nói lại”, anh Hùng cho biết.

Người dân tham gia gian hàng trò chơi về kiến thức pháp luật tại Công viên Làng hoa Gò Vấp

Đố vui có thưởng về kiến thức pháp luật như trên là một trong những hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân rất hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều quận, huyện khác trên địa bàn TPHCM cũng có những cách tuyên truyền luật thiết thực và thú vị.

Ở quận 3, nhằm tuyên truyền cho học sinh về tội phạm vị thành niên và tội phạm có nguyên nhân từ mạng xã hội Facebook, trong hai ngày 8 và 21-11, Phòng Tư pháp, Phòng Giáo dục - Đào tạo, Hội Luật gia quận phối hợp với Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TPHCM tổ chức hai phiên tòa giả định xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích” có nội dung từ mâu thuẫn trên mạng xã hội, người phạm tội là người vị thành niên.

Hình thức tuyên truyền pháp luật trực quan tạo sự thích thú theo dõi của gần 1.600 học sinh khối lớp 8, 9 của Trường THCS Colette và Trường THCS Hai Bà Trưng, giáo dục cho các em ý thức tuân thủ pháp luật, tôn trọng tính mạng, sức khỏe của người khác.

Tại quận 2, thông qua hội thi “Tìm hiểu các văn bản pháp luật có liên quan quyền và lợi ích của phụ nữ”, nhiều chị em phụ nữ hiểu hơn những quy định của pháp luật về quyền lợi của lao động nữ, bảo hiểm xã hội cho phụ nữ mang thai, các quyền và nghĩa vụ về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, thừa kế.

Quận 5 tổ chức 17 cuộc tuyên truyền pháp luật cho thanh, thiếu niên thông qua phiên tòa xét xử lưu động với 51 bị cáo có hành vi phạm tội tàng trữ, sử dụng chất ma túy, trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, chống người thi hành công vụ... Những phiên tòa này giúp các bạn trẻ trang bị những kiến thức pháp luật cơ bản, từ đó góp phần ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên.

Quy định pháp luật sẽ khô khan nếu người nghe chỉ thụ động tiếp nhận qua văn bản hoặc tại những buổi báo cáo. Do vậy, những cách truyền tải luật phong phú, sinh động, có sự tương tác giúp người dân dễ “ngấm” luật cần được nhân rộng và thực hiện thường xuyên.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục