Số ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng mạnh tại châu Âu

Châu Âu đang trải qua những ngày u tối khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 24.000 người tại lục địa này - nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, kể cả ở Trung Quốc - nơi khởi phát dịch bệnh này cuối năm 2019.
Cầu Rialto ở Venice, Italy đang được vệ sinh. Đây được xem là một biện pháp để phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Reuters
Cầu Rialto ở Venice, Italy đang được vệ sinh. Đây được xem là một biện pháp để phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Reuters

Trong ngày 31-3, Italy - tâm dịch của châu Âu - đã ghi nhận thêm 4.053 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 105.792 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong là 12.428 trường hợp (tăng 837 ca). Số bệnh nhân điều trị thành công là 15.729 trường hợp (tăng 1.109 ca). Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 28.192 ca nhập viện với các triệu chứng, 4.023 ca phải điều trị tích cực và 45.420 trường hợp phải cách ly tại nhà.

Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Italy (ISS) Silvio Brusaferro cho rằng dịch Covid-19 tại Italy đã lên đến đỉnh điểm, nhưng đó không phải là điểm kết thúc và cần phải thận trọng, bởi dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nếu Italy ngừng thực hiện các biện pháp ngăn chặn và cách ly tại chỗ. Trong ngày 31-3, cả nước Italy đã đồng loạt treo cờ rủ và dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ những người đã khuất do đại dịch Covid-19, cũng như để chia sẻ nỗi đau thương mất mát đối với các gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.  

Trong khi đó, Tây Ban Nha - tâm dịch lớn thứ hai tại châu Âu - ngày 31-3 cũng đã công bố thêm 748 ca tử vong - mức cao kỷ lục được ghi nhận trong 1 ngày kể từ khi đại dịch bùng phát, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 lên con số 8.464. Nước này cũng ghi nhận thêm 7.967 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 95.923.

Nước Pháp cũng ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 lên đến 499 người trong 24 giờ qua, cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca tử vong tại các bệnh viện là 3.523 người kể từ khi bùng phát dịch. Pháp trở thành nước đứng thứ 3 thế giới về số người tử vong do virus SARS-CoV-2, sau Italy và Tây Ban Nha.

Với 705 ca tử vong đến ngày 31-3, Bỉ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ 11 trên thế giới bởi đại dịch Covid-19. Trong số các bệnh nhân qua đời do mắc Covid-19 có một bé gái 12 tuổi. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên ở trẻ em do Covid-19 được ghi nhận tại Bỉ mặc dù vậy chính phủ nước này công bố dịch vẫn chưa đạt đỉnh.

Tại Đức, trên cả nước Đức đã ghi nhận 71.808 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 16.810 ca đã được điều trị khỏi và 775 ca tử vong.

Bang có số ca nhiễm cao nhất là Bayern với 15.505 ca và 191 ca tử vong, tiếp đến là Nordrhein-Westfalen  với 15.241 ca nhiễm và 148 ca tử vong; cùng Baden-Württemberg với 13.313 ca nhiễm, 196 ca tử vong. Hiện thủ đô Berlin đã ghi nhận 2.777 ca nhiễm và 15 ca tử vong.

Như vậy, chỉ trong 24 giờ qua, Đức đã ghi nhận thêm 4.923 trường hợp nhiễm Covid-19 mới và 130 ca tử vong.

Trong khi đó, theo Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức, nước này mới chỉ ở "giai đoạn đầu" của dịch bệnh và đỉnh dịch vẫn ở phía trước, dù không cho biết cụ thể thời điểm.

Tại Anh, số ca tử vong trong ngày do dịch Covid-19 tại Anh đã tăng 27% theo số liệu thống kê công bố ngày 31-3. Cụ thể, Anh đã ghi nhận 381 ca tử vong, mức tăng cao nhất trong ngày kể từ khi dịch bùng phát, qua đó nâng số ca tử vong tại các bệnh viện ở Anh lên 1.789 người.

Trong khi đó, Chính phủ Hà Lan ngày 31-3 đã quyết định kéo dài các lệnh cấm nhằm ngăn cặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan, đồng thời thông báo các trường học, nhà hàng và quán bar sẽ tiếp tục đóng cửa đến ít nhất ngày 28-4. Hiện dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 1.039 người tại Hà Lan, trong khi số ca nhiễm mới đã tăng thêm 845 trường hợp theo thông báo vào sáng sớm 1-4 (theo giờ Việt Nam), nâng tổng số các ca nhiễm virus tại nước này lên 12.595 người.
Hiện trên toàn thế giới đã có 857.719 ca nhiễm và 42.129 ca tử vong do Covid-19

Trong khi đó tại Mỹ, trong ngày qua đã có 24.361 ca nhiễm mới; 741 ca tử vong nâng số người nhiễm và tử vong tại nước này lần lượt là 188.149 ca và 3.882.

Như vậy, hiện Mỹ là quốc gia có số người nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới, vượt cả Trung Quốc, Italy, Tây Ban Nha. Trong khi đó, số ca tử vong đứng thứ 3 thế giới sau Italy và Tây Ban Nha.
Trong khi đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones trên thị trường chứng khoán New York (Mỹ) đã giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 31-3 (giờ địa phương), khép lại một quý sụt giảm điểm mạnh nhất kể từ năm 1987 trong bối cảnh toàn bộ thị trường chao đảo do dịch bệnh Covid-19 lây lan rất nhanh tại Mỹ.
 Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 1,9% xuống 21.914,37 điểm , tương đương mức giảm hơn 400 điểm. Chỉ số blue-chip của 30 tập đoàn công nghiệp lớn nhất nước Mỹ này đã giảm hơn 23% trong quý vừa qua trong bối cảnh Mỹ đóng cửa một phần nền kinh tế để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan.
Cả chỉ số tổng hợp S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq đều giảm mạnh trong ngày 31-3, kết thúc một quý giao dịch vô cùng ảm đạm.
Một nguồn tin cho biết Tổng thống Donald Trump đã đồng ý với kế hoạch hoãn áp đặt thuế quan đối với hàng hóa của một số nước với quy chế tối huệ quốc trong 3 tháng, nhằm giúp giảm thiểu tác động kinh tế từ dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Theo đó, một số mặt hàng như giày dép và đồ may mặc của các nước sẽ được hoãn áp thuế với nguyên tắc tối huệ quốc. Tuy nhiên, kế hoạch này không áp dụng đối với các mặt hàng hóa của Trung Quốc và châu Âu thuộc diện áp thuế theo Mục 301 hoặc đối với thép và nhôm chịu thuế quan Mục 232.
Theo nguồn tin, hiện vẫn chưa rõ khi nào Tổng thống Trump sẽ ký sắc lệnh hành pháp trì hoãn việc áp đặt các khoản thuế nói trên. Ngay sau khi sắc lệnh được kỳ, Bộ Tài chính Mỹ sẽ được trao quyền chỉ đạo Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới trì hoãn việc thu thuế đối với những hàng hóa nhập khẩu đó trong 90 ngày.
Hồi tuần trước, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đã bác bỏ thông tin cho rằng chính quyền Mỹ đang xem xét một biện pháp giảm thuế rộng hơn sẽ bao gồm hàng hóa từ Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục