Sôi động kinh tế vũ trụ

Việc phát triển không ngừng của công nghệ chinh phục vũ trụ trong nhiều năm qua đã thúc đẩy sự phát triển của ngành kinh tế vũ trụ. Theo Tập đoàn tài chính Morgan Stanley (Mỹ), quy mô nền kinh tế vũ trụ sẽ tăng lên hơn 1.000 tỷ USD hoặc cao hơn vào năm 2040.

Tàu du lịch trên không gian của Space Perspective (Mỹ)
Tàu du lịch trên không gian của Space Perspective (Mỹ)

Kỷ nguyên thương mại hóa

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), kinh tế vũ trụ bao gồm các ngành công nghiệp sản xuất liên quan đến hàng không vũ trụ, khai thác các nguồn tài nguyên quý hiếm trên không gian và dịch vụ khai thác du lịch không gian. Ngành này có sự phát triển sôi động bởi cuộc đua không chỉ giữa các cường quốc, mà còn thu hút khu vực tư nhân và các công ty khởi nghiệp.

Thực tế cho thấy, nền kinh tế vũ trụ không chỉ là một lĩnh vực kinh tế mới mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực khác, tạo ra các lợi ích kinh tế - xã hội. Kinh tế vũ trụ đang bước sang một kỷ nguyên thương mại hóa, hội nhập và đổi mới. Các ứng dụng công nghệ không gian mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới, như: du hành vũ trụ, công nghệ truyền thông sử dụng vệ tinh ở quỹ đạo thấp, ứng dụng internet kết nối vạn vật (IoT) trên hệ thống vệ tinh và thiết bị mặt đất.

Kích thước các vệ tinh cũng ngày càng được thu nhỏ, số lượng vệ tinh trong các chùm và siêu chùm (mega constellation) tăng lên nhanh chóng, các dự án khởi nghiệp (startup) về vệ tinh hiện nay hướng đến cung cấp ứng dụng và giải pháp trực tiếp cho người sử dụng chứ không chỉ thuần túy phát triển công nghệ như trước đây… Một trong những dịch vụ mũi nhọn của ngành công nghiệp vũ trụ chính là phóng vệ tinh cỡ nhỏ phục vụ cho dịch vụ kết nối băng thông rộng và IoT.

Trong 2 thập niên qua, có hơn 10.000 công ty vũ trụ thương mại đã ra đời. Đáng chú ý nhất là Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) do Mỹ, Nga và các nước tham gia, phục vụ các hoạt động của vệ tinh, công nghệ quốc phòng, phân tích dữ liệu và cả du lịch vũ trụ. Trong khi đó, SpaceX, công ty vũ trụ được biết đến nhiều nhất, đã phóng hàng ngàn vệ tinh cho cả mục đích công và tư.

Hiện có khoảng 90 quốc gia, khoảng 5.000 nhà đầu tư đang thúc đẩy phát triển chương trình không gian vũ trụ, trong đó tập trung vào việc phát triển kinh tế vũ trụ. Trong số đó có Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Iran, Israel và Nhật Bản có khả năng phóng tàu vũ trụ lên quỹ đạo một cách ổn định.

Riêng tại Mỹ, theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), trong năm 2022, NASA đem lại 71,2 tỷ USD, duy trì 339.600 việc làm trên toàn quốc và tạo ra gần 7,7 tỷ USD thu nhập từ thuế liên bang, thuế tiểu bang và thuế địa phương. Du hành vũ trụ tư nhân là một trong những ngành phát triển nhanh nhất trên thế giới nhờ các khoản đầu tư của NASA.

Tăng đầu tư, kết nối hợp tác

Khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh, chính phủ nước này bắt đầu đầu tư mạnh cho chương trình không gian. Theo đó, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển tàu vũ trụ tăng từ 22,6 triệu USD năm 2000 lên 433,4 triệu USD năm 2014, tức gấp gần 20 lần chỉ sau 14 năm. Hợp tác khoa học giữa Trung Quốc và các quốc gia du hành vũ trụ khác được mở rộng.

Mới đây, Trung Quốc đã giúp Ai Cập phóng một vệ tinh viễn thám vào quỹ đạo, một dự án hợp tác được thực hiện nhờ những thành tựu nghiên cứu không gian của Trung Quốc nhằm cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân ở các quốc gia đối tác của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Ấn Độ đang nổi lên là đối thủ đầy cạnh tranh của Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc. Nền kinh tế vũ trụ của Ấn Độ hiện được định giá 8 tỷ USD, dự kiến sẽ vượt 40 tỷ USD vào năm 2040. Ấn Độ là một trong số ít quốc gia đã tạo ra cách tiếp cận tích hợp cho ngành vũ trụ, mở ra nhu cầu rất lớn về các dịch vụ không gian, vốn có tiềm năng thương mại to lớn. Năm 2022, tổng chi tiêu của Chính phủ Ấn Độ cho các chương trình không gian quân sự và dân sự đã tăng 19%.

Hàn Quốc đã xác lập lộ trình “kinh tế vũ trụ”, bao gồm việc phát triển phương tiện vũ trụ thế hệ tiếp theo vào năm 2031 và bắt đầu phát triển tàu đổ bộ Mặt trăng vào năm 2024. Mục tiêu của Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới và quốc gia thứ 4 ở châu Á (sau Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ) triển khai các hoạt động nghiên cứu Mặt trăng từ vũ trụ. Seoul đang đặt mục tiêu phóng thêm 4 tên lửa Nuri trong 5 năm tới, và tăng đội vệ tinh do thám lên 130 chiếc trong không gian vào năm 2030.

Về phía châu Âu, đứng trước nguy cơ chậm chân trong hoạt động khai thác dịch vụ không gian, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã lên kế hoạch khuyến khích khu vực tư nhân phát triển các dịch vụ phóng tên lửa nhỏ. Những dự án mới này sẽ bắt đầu với thế hệ bệ phóng mini, nhằm tạo ra xu hướng thay thế lâu dài cho các tên lửa Ariane 6 và Vega-C.

Theo Tổng Giám đốc ESA Josef Aschbacher, chuyển động mới mang lại niềm tin lớn cho các nhà sản xuất, đồng thời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao cạnh tranh của châu Âu trong ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục