Điều này đã được chỉ ra từ năm 2018, sau vụ gian lận sửa điểm khi 11 cán bộ ngành giáo dục của 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình liên quan gian lận, chỉnh sửa, nâng điểm thi cho 347 bài thi. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn phớt lờ cảnh báo này và tiếp tục nhận “trái đắng”.
tổ chức tháng 5-2022
Theo một thành viên tổ chuyên gia tham gia tổ xác minh sự việc đơn tố giác đề thi môn Sinh học bị lộ năm 2021, tổ chuyên gia đã có biên bản chi tiết về sự việc này sau khi kiểm tra, đối sánh giữa đề thô được ban đề thi duyệt chốt, bản PDF đề VIP40 được thầy Phan Khắc Nghệ dạy cho học sinh, 3 video... Tổ chuyên gia có kết luận trong biên bản “có dấu hiệu bất thường”. Cụ thể, có 4 đề thi xuất ra từ máy tính, trong số các đề thô được ban đề thi sử dụng để xây dựng đề thi chính thức giống trên 90% với bài tổng ôn của thầy Phan Khắc Nghệ. Ngoài ra, quá trình xác minh cũng cho thấy, ban đề thi không rút ngẫu nhiên câu hỏi từ ngân hàng đề thi như quy định trong quy chế, mà xây dựng đề thi từ các đề có sẵn (lấy câu hỏi thô từ các đề có sẵn, đưa vào đề chính thức).
Báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về giám sát kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 nêu rõ, về đề thi, dù Bộ GD-ĐT khẳng định đề thi dựa trên cơ sở ngân hàng đề thi được xây dựng “theo hướng chuẩn hóa”, mô phỏng quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa của các nước tiên tiến trên thế giới, tuy nhiên, trên thực tế, cách thức xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi của bộ chưa đảm bảo các tiêu chí về chuẩn hóa. Phần lớn ngân hàng câu hỏi dựa trên nguồn là mẫu đề thi của các trường THPT trên cả nước, vì vậy, khó đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên thành viên Tổ tư vấn Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo (giai đoạn 2016-2021), về lý thuyết, quy trình làm đề thi nhìn chung khá chặt chẽ, tuy nhiên do chưa có ngân hàng đề thi được chuẩn hóa với số lượng đủ lớn. Vì sao gần 10 năm nay mà chúng ta vẫn chưa có ngân hàng câu trắc nghiệm được chuẩn hóa đủ lớn để giảm tối đa nguy cơ trùng lắp các câu trắc nghiệm? Phải chăng chúng ta thiếu kinh phí, thiếu thời gian làm ngân hàng đề thi được chuẩn hóa, hay thiếu chuyên gia làm trắc nghiệm, hay vì lợi ích của một nhóm người nào đó mà vẫn muốn ôm việc vì “khoản lợi” khổng lồ? Khi số lượng các câu trắc nghiệm được chuẩn hóa đủ lớn, việc trùng lặp ngẫu nhiên hàng loạt câu trắc nghiệm sẽ khó xảy ra và phổ điểm kết quả thi sẽ không xuất hiện những hình dạng không bình thường ở một số môn thi như những năm vừa qua. Vì thế lãnh đạo ngành cần phải tìm hiểu đó là nguyên nhân khó khăn nào?
Tập trung cho ngân hàng đề thi
Một chuyên gia khảo thí của ĐH Quốc gia TPHCM phân tích, hiện nay thi tốt nghiệp THPT có 4/5 bài thi được thi theo hình thức trắc nghiệm gồm Toán, Tiếng Anh, Bài thi khoa học tự nhiên (Lý - Hóa - Sinh), Bài thi khoa học xã hội (Sử - Địa - Giáo dục công dân). Cách đây 4 năm, một lãnh đạo Cục Khảo thí (nay là Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT) phát biểu: “Việc xây dựng ngân hàng đề thi phải tuân thủ các bước được chuẩn hóa. Từ trên 60.000 câu hỏi, qua các bước xử lý đã chọn lọc những câu hỏi đảm bảo yêu cầu, để đưa vào gói câu hỏi theo các mức độ khác nhau. Những câu hỏi được sàng lọc đã đưa vào thử nghiệm 2 lần ở 50 trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên, với đại diện của các vùng, miền khác nhau… Những câu hỏi có tính ổn định cao sẽ được đưa vào ngân hàng chính thức. Vì thế, dựa vào ngân hàng này, các câu hỏi được hội đồng ra đề thi chọn để xây dựng đề thi… hoàn toàn tin cậy”. Điều này cho thấy, ngân hàng đề thi chuẩn hóa mà số lượng câu hỏi chỉ có 60.000 là quá ít, đáng lẽ phải là hàng trăm ngàn cho đến hàng triệu. Đó là chưa nói đến cách làm không chỉ cần chuyên gia, tài chính mà phải thử đi thử lại rồi đánh giá, đo độ chuẩn của câu hỏi. Nếu chưa đạt lại tiếp tục làm cho đến khi đạt độ chuẩn hóa. Đằng này bộ chỉ thử nghiệm có 2 lần mà cho rằng đã tuân thủ các bước chuẩn hóa!
Nguyên Phó hiệu trưởng phụ trách tuyển sinh Trường ĐH Cần Thơ (đề nghị giấu tên) phân tích: “Các nước trên thế giới từ rất lâu đã thông qua các trung tâm khảo thí để đánh giá kiến thức, sử dụng kết quả vào trường ĐH. Nếu Việt Nam thành lập được Trung tâm Khảo thí quốc gia, xây dựng hệ thống ngân hàng đề thi đủ chuẩn để tổ chức thi thì quá tốt. Lúc đó có thể tổ chức thi mọi nơi, mọi lúc và cấp giấy chứng nhận kết quả. Trên cơ sở đó, các trường sẽ dùng kết quả để xét tuyển vào đại học. Bộ nói đã làm ngân hàng đề thi chuẩn mà tôi không hiểu tại sao đến thời điểm này lại bộc lộ quá nhiều vấn đề sai sót sơ đẳng như vậy. Dư luận cần được biết tiền chi cho công tác đề thi, xây dựng ngân hàng đề thi trong những năm qua đã thực hiện như thế nào, hay chỉ làm cho có?”.
Nhận định Bộ GD-ĐT cần rút kinh nghiệm và tập trung ngay để sớm có ngân hàng đề thi được thử nghiệm, chuẩn hóa, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, điều này đòi hỏi phải sớm có định hướng, lộ trình cụ thể xây dựng ngân hàng đề thi, đào tạo nhân lực, cho phép thành lập các tổ chức khảo thí độc lập... Thêm vào đó, phải rà soát rất kỹ quy trình, thủ tục và khâu lựa chọn nhân sự tham gia làm đề thi đòi hỏi đủ năng lực phẩm chất. Đồng thời, một khi có sự cố liên quan đến thi tốt nghiệp cần ráo riết xử lý nghiêm cá nhân tổ chức vi phạm luật pháp và sớm truyền thông chân thực, minh bạch cho xã hội biết, tránh đồn đoán ảnh hưởng đến uy tín và lòng tin của xã hội.