Sống trách nhiệm vì cộng đồng

Bài học từ nếp sống giản dị của Bác Hồ
Sống trách nhiệm vì cộng đồng

Mỗi người một công việc, xuất thân khác nhau nhưng điểm chung giữa các gương điển hình là tấm lòng yêu thương, trách nhiệm, sống vì cộng đồng. Kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gương điển hình ở các địa phương, đơn vị đã thiết thực hưởng ứng việc tiếp tục học tập, làm theo gương Bác bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực nhất.

Ông NGUYỄN NGỌC TƯƠNG (phải), phường Phước Long A, quận 9: Làm thật tốt những việc trong tầm tay

Dù ở bất cứ đâu, hoàn cảnh nào, cuộc đời và lối sống giản dị của Bác đều cho chúng ta những bài học đáng quý. Đối với tôi, với tinh thần trách nhiệm của một người lính bộ đội Cụ Hồ trong thời bình là sẵn sàng chia sẻ khó khăn với bà con nhân dân trong khu phố, làm được gì cho mọi người thì tôi luôn sẵn sàng.

Kinh nghiệm của tôi cũng đơn giản, cứ làm thật tốt những việc trong tầm tay mình. Nhớ đến “hũ gạo kháng chiến” của Bác Hồ thời còn trong quân ngũ, tôi nghĩ, tại sao mình không tiết kiệm tiền bằng cách nuôi heo đất để mua xe đạp tặng cho các em. Tôi bàn với vợ con và được gia đình hưởng ứng. 10 năm qua, tôi đã nuôi heo đất tặng học bổng cho học sinh nghèo ở địa phương và tạo việc làm thêm cho hơn 60 hộ gia đình ở khu phố có thu nhập ổn định. Giây phút khiến tôi cảm động nhất là khi  trao xe đạp cho hai chị em ruột có hoàn cảnh rất đáng thương. Mẹ hai em qua đời vì bệnh ung thư, bố thì bỏ đi. Hai em sống nhờ tình thương của gia đình bên ngoại. Khi  nhận xe, cô chị sụt sùi hứa sẽ cố gắng học tốt hơn nữa để không phụ lòng nhà tài trợ khiến tôi đã không cầm được nước mắt. Hình ảnh đó đã thôi thúc tôi phải làm được thật nhiều việc có ý nghĩa để giúp các hoàn cảnh khó khăn.

Hơn 10 năm nay, gia đình tôi dành dụm những đồng tiền lãi từ việc buôn bán, tiết kiệm trong chi tiêu để nuôi heo đất tặng 68 chiếc xe đạp cho các cháu học sinh nghèo tại địa phương với số tiền hơn 70 triệu đồng; hỗ trợ gần 5 tấn gạo cho người nghèo đón tết; phối hợp với công an khu vực và các đoàn thể giúp đỡ các cháu cai nghiện, hồi gia trên địa bàn phường…

Đôi khi hạnh phúc rất đơn giản, chỉ cần thấy những cháu học sinh khó khăn mình từng giúp nay đã trưởng thành, có nhiều cháu trở thành sinh viên đại học và các cháu vẫn thường xuyên sang chơi thăm nhà là tôi đã mãn nguyện rồi. Tôi sẽ không dừng lại khi còn có khả năng giúp đỡ người nghèo.

Bà PHẠM THỊ BỒNG (trái), phường 11, quận 11: Bác mãi là niềm tin

Trong dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Bác năm nay, tôi may mắn được ra Hà Nội thăm Lăng Bác, chuyến đi do Quận ủy quận 11 tổ chức. Thấy tôi tuổi cao sức yếu, mọi người lo lắng hỏi tôi có đi được không? Tôi đáp ngay: “Đi được chứ!” Mấy ngày chờ đợi chuyến đi, lòng tôi cứ lâng lâng không sao ngủ được. Rồi đoàn của chúng tôi bay ra Hà Nội và xếp hàng vào Lăng viếng Bác. “Gặp” Bác tôi không sao ngăn nổi dòng nước mắt tuôn trào. Với tôi, Bác luôn sống trong lòng tất cả người dân miền Nam và cả nước. Lần đi này tôi có kỷ niệm đặc biệt là vinh dự được trao tặng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng ngay tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Trong giờ phút thiêng liêng đó, tôi thầm báo cáo với Bác Hồ rằng tôi đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng và tuyệt đối trung thành với Đảng, Bác Hồ.

Sau khi thăm Lăng Bác, chúng tôi còn được lên thăm Khu K9, là nơi trước đây Bác đã từng sống và làm việc. Tại đây chúng tôi được trao tặng Huy hiệu Hồ Chí Minh. Đeo tấm huy hiệu của Bác cùng với huy hiệu Đảng, tôi cảm thấy tự hào và trân quý kỷ vật thiêng liêng về Bác. Bác mãi mãi là niềm tin và chỗ dựa tinh thần lớn lao cho mỗi người dân Việt Nam.

Ông NGÔ TRỌNG CƯỜNG, Lực lượng TNXP TPHCM: Biện pháp mười, quyết tâm hai mươi

Trong công tác, sinh hoạt hay học tập, tôi luôn rèn luyện theo Bác tư duy độc lập, nêu cao tinh thần tự chủ, sáng tạo. Tôi phấn đấu mỗi ngày trong phong cách làm việc, tác phong khoa học với đồng nghiệp và diễn đạt suy nghĩ, lời nói của mình trước tập thể một cách nhuần nhuyễn, dễ hiểu. Trong quan hệ ứng xử, sinh hoạt với mọi người, đồng nghiệp, tôi luôn tập cho bản thân phải có thái độ ân cần, niềm nở, vừa thân ái, vừa nhiệt tình, khiêm nhường. Tập thói quen để những điều đó xuất phát từ tận tấm lòng mình, chứ không phải cố gắng thể hiện bên ngoài. Trong những góp ý của cá nhân, tập thể về mình, tôi luôn tự nhìn lại và hoan nghênh ý kiến đóng góp, kịp thời khắc phục hạn chế, thiếu sót của bản thân, nỗ lực sống thành thật, không gian dối.

Bác cho rằng: “Công việc thành hay là bại một phần lớn là do nơi tư tưởng, đạo đức, thái độ và lề lối làm việc”. Học Người, tôi nghĩ thế hệ thanh niên chúng ta cần rèn luyện tác phong độc lập, tự chủ, sáng tạo và vượt khó; làm việc phải có mục đích rõ ràng; chương trình, kế hoạch đặt ra phải sát với phương châm “Kế hoạch một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”; trong sinh hoạt phải thực sự trong sáng. Có như vậy, chúng ta mới tự lực vươn lên và tự xây dựng một cách sống, phong cách thời đại Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ TRẦN HỮU LỘC, Giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TPHCM: Mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm để tiến nhanh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương, một nhân cách vĩ đại mà chúng ta phải tìm hiểu và học tập theo Người suốt đời. Tôi chỉ đã và đang học tập theo Bác ở một khía cạnh nhỏ, đó là tấm gương học tập, rèn luyện, đổi mới, sáng tạo không ngừng, dám nghĩ, dám làm.

Bác Hồ là một gương học tập không ngừng, biết nhiều ngoại ngữ, thông thạo kinh sử, văn hóa Đông - Tây. Nhớ đến Bác, tôi nghĩ đến thế hệ chúng ta hôm nay. Trong thời buổi toàn cầu hóa, xuất phát điểm của Việt Nam chậm hơn các nước bạn, thì sự học tập đổi mới, sáng tạo không ngừng của thế hệ trẻ phải được khuyến khích thúc đẩy tối đa để tạo một lực đòn bẩy thật mạnh. Thế hệ trẻ cần không ngừng nâng cao ý thức tự học, tự hoàn thiện bản thân để phù hợp với tình hình mới, thời đại mới. Trong đó, ngoại ngữ là một trong những chìa khóa không thể thiếu. Trong hoàn cảnh hiện tại, thông tin, công nghệ, internet rất dễ dàng được tiếp cận, theo tôi đây là lợi thế rất lớn để các bạn học tập và tiếp cận được với tri thức nhân loại.

Một suy nghĩ tôi muốn chia sẻ  với anh em làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học rằng, xã hội, Nhà nước đã cho ta cơ hội, điều kiện học hành, ta phải tự thân vận động nhiều hơn nữa. Với tri thức, với mối quan hệ cộng tác trong và ngoài nước, với thực tiễn sản xuất, chúng ta hoàn toàn có thể liên kết lại với nhau, tranh thủ tất cả các nguồn lực về khoa học, công nghệ, tài chính cả trong và ngoài nước, từ nguồn tư nhân, chính phủ, phi chính phủ cho đầu tư vào khoa học, công nghệ và giáo dục. Phải mạnh dạn thay đổi tư duy và cách làm thì mới tiến nhanh, tiến mạnh và bền vững được.

NHÓM PV (ghi) 

Bài học từ nếp sống giản dị của Bác Hồ

Tấm lòng Bác Hồ mênh mông tình yêu nước thương dân và vời vợi đức hy sinh vì Tổ quốc, đồng bào; còn đạo đức sáng ngời mà toàn Đảng, toàn dân ta đang học tập và làm theo gương Bác có thể tựu trung vào mấy chữ “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư”. Trong những nội hàm tốt đẹp đó, chữ Liêm đang được tập trung chú ý nhiều nhất, bởi lẽ không có liêm thì không thể có chính và càng không thể chí công vô tư. Trong khi đó là những thuộc tính gắn liền với bản chất của người cán bộ cách mạng, mà thiếu nó thì chưa thể xây dựng được chính quyền thực sự của dân, do dân, vì dân.

Trên đường ra đi tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã không từ nan bất cứ công việc nặng nhọc, vất vả nào. Người đã xây dựng một nếp sống hết sức đạm bạc nhưng cũng rất hợp lý, khoa học, để có thể chia sẻ thời gian và tiền bạc cho các hoạt động yêu nước. Đến khi trở thành vị lãnh tụ tối cao của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn có quyền dành cho mình một cuộc sống và những tiện nghi vật chất tương xứng với một vị nguyên thủ quốc gia. Nhưng Người vẫn giữ nếp sống giản dị thanh bần để cùng chia sẻ nỗi khó khăn, thiếu thốn với nhân dân.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, để học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có lẽ một trong những vấn đề mấu chốt là mỗi cán bộ đảng viên hãy tự soi rọi lại bản thân, xem mình đã biết sẻ chia nỗi lo lắng, buồn phiền, khổ cực của nhân dân và nỗi khó khăn, tụt hậu của đất nước do hoàn cảnh lịch sử để lại hay chưa? Bởi nếu không biết sẻ chia với Tổ quốc, đồng bào, với cộng đồng xã hội thì sẽ ngày càng sa vào chủ nghĩa cá nhân và càng xa rời lý tưởng cách mạng, càng đối lập với Tổ quốc, nhân dân. Còn nếp sống thanh bần giản dị của vị Cha già dân tộc, mặc dù không thuộc vào phạm trù đạo đức nhưng cũng là một bài học vô cùng quý giá để mỗi cán bộ đảng viên tự rèn luyện, giáo dục bản thân và các tổ chức, cơ sở Đảng có thể xem là một yếu tố tham khảo trong công tác nhận xét, đánh giá, đề bạt cán bộ đảng viên.

PHAN HIỀN
(Hội Tâm lý giáo dục TPHCM)

Tin cùng chuyên mục