Sống trên đời cần có một tấm lòng

Sống trên đời cần có một tấm lòng

Cách đây hơn 20 năm, tôi còn nhớ như in cái ngày hôm ấy, cái ngày cha tôi dắt tôi lên thành phố để đi học. Nắng, cái nắng oi bức của thành thị hòa quyện mùi khói xe và bụi khó chịu, không như cái nắng vàng lẫn mùi hương lúa chín ở quê tôi vào những ngày gặt. Tôi là đứa lớn nhất được chính tay cha dắt lên thành phố. Tôi thi vào ngành y với hy vọng của má tôi là có một bác sĩ trong nhà cho đỡ lo. Cái tỉnh lỵ nơi gia đình chúng tôi ở chỉ có một bệnh viện và một trạm xá. Bác sĩ rất hiếm gặp.

Cha con tôi nhanh chóng tìm được con hẻm nhỏ dẫn vào khu nhà ở quận 10, nơi chú tôi ở. Nhà chú tôi không lớn như những căn nhà ở quê nhưng đầy đủ tiện nghi và gọn gàng. Chú tôi làm công chức, thím và mấy em ở nhà mở thêm một tiệm tạp hóa phía trước. Để được như ngày hôm nay, chú tôi cũng đã trải qua nhiều thăng trầm. Chính vì vậy, lúc nào chú cũng nhắc mấy đứa em và tụi tôi rằng, trên đời này không có cái gì tự nhiên mà có, phải phấn đấu, học tập và chịu cực khổ thì mới được. Không nên phí phạm tiền bạc và thời gian. Mình phải làm ra đồng tiền thì khi xài mình mới cảm thấy ý nghĩa của sự tiết kiệm.

Cha tôi không nhắc nhở nhiều về việc phải tiết kiệm khi chính bản thân mình chưa kiếm ra tiền nhưng ông luôn đem những câu nói của chú tôi kể cho chúng tôi nghe. Do đó, tự bản thân mình tôi cũng biết sẽ phải ý thức về tiết kiệm như thế nào trong những năm tiếp theo ở thành phố hoa lệ này. Sau khi dặn dò và chỉ dẫn tôi đường đi nước bước ở thành phố, cha về lại quê và gửi gắm tôi cho gia đình chú.

Bây giờ nhớ lại tôi thầm cảm ơn chú rất nhiều, nhờ có sự yêu thương, dạy dỗ kinh nghiệm sống và cho tôi những lời khuyên chí tình của chú, tôi mới ngộ ra được nhiều điều… “sống trên đời sống cần có một tấm lòng”.

Câu chuyện thứ nhất mà tôi thấy được đó là: lúc đó nhiều học sinh ở quê vào thành phố để tìm nhà trọ. Trong một ngày chú nhận được ba cuộc gọi của những người bạn bè ở quê cách đây mười mấy năm xin cho con họ trọ tạm vài ngày để tìm nhà ở. Quả thật nếu phải thêm người thì rất chật chội và khó khăn. Bên ngoài thím còn bày bán tạp hóa. Thế nhưng, mỗi lần có người gọi chú vẫn cảm thấy áy náy không thể từ chối. Cuối cùng chúng tôi cũng phải chia sẻ căn phòng nhỏ ở lầu một cho hai cô gái con bạn chú. Chú coi tất cả như con cháu, không hề la mắng và phân biệt. Đôi khi hơi mệt, thím tôi có vẻ cáu, chú đều nói nhẹ nhàng và khuyên “đừng làm vậy sắp nhỏ tủi thân”…

Câu chuyện thứ hai: Một ngày nọ, chú bảo thím “Chị Tư bên khu phố 5 nhà nghèo bị bệnh tim, nặng lắm, tôi phải giúp chị xin tiền trợ giúp”. Cuối cùng chú hớn hở cho biết đã xin được tiền trợ giúp của tổ chức phi chính phủ và cô Tư sẽ được mổ miễn phí. Sau khi phẫu thuật tim được 3 tháng, một ngày nọ thím tôi chạy về cho biết, thì ra gia đình cô Tư không nghèo như chú tôi nghĩ. Con gái cô Tư và chồng cô Tư là hai “con ma” của sòng bài. Còn cô Tư mở quán cà phê, chưng diện lòe loẹt nên cũng được vài người chu cấp tiền hàng tháng. Sau khi biết rõ sự việc chú tôi chỉ lắc đầu “thôi kệ, coi như mình nhìn lầm người”.

Câu chuyện thứ 3: Cứ mỗi chủ nhật, chú hay vắng nhà từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ vào buổi chiều. Thím và mấy đứa em tôi chẳng biết chú đi đâu. Một hôm, có cuộc điện thoại gọi báo chú tôi được đưa vào bệnh viện cấp cứu, cả nhà mới biết thì ra chú thường đến viện dưỡng lão để làm công quả. Lúc đang dọn vệ sinh tại nhà dưỡng lão, chú tôi đã ngất xỉu.

Xa gia đình nhưng tôi không cảm thấy trống vắng, vì chú lúc nào cũng như cha tôi. Sau khi ra trường, tôi quyết tâm quay về quê và làm cho một bệnh viện của tỉnh. đối với tôi, chỉ cần có thể, tôi sẵn sàng giúp đỡ mọi người, nhất là những bệnh nhân của tôi…

QUỲNH LÊ

Tin cùng chuyên mục